Thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai liên tục tổ chức họp bàn giải quyết chuyện “lình xình” liên quan đến dự án Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống Tân Hiệp. Tuy nhiên, qua các buổi đối thoại, chính quyền, nhà đầu tư và tiểu thương vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Tại buổi họp thông qua kết luận giám sát gần đây, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm những tập thể, cá nhân liên quan.
Sang tay dự án ngay khi còn trên giấy
Nằm tại vị trí đắc địa, chợ Tân Hiệp được Nhà nước và các hộ kinh doanh đầu tư xây dựng từ năm 1999 có tổng diện tích 15.990 m2 với 702 điểm kinh doanh. Với lý do chợ xuống cấp, năm 2006, UBND TP Biên Hòa đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng lại nơi đây theo mô hình trung tâm thương mại - siêu thị kết hợp chợ truyền thống và được chấp thuận.
Đầu tiên, UBND TP Biên Hòa giới thiệu địa điểm này cho Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, tuy nhiên sau đó lại có thêm hai đơn vị xin giới thiệu địa điểm với mục đích tương tự là Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Điện Thành Phát và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam. Ngày 5-1-2007, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định chấp nhận chủ trương và giới thiệu địa điểm cho hai đơn vị trên lập thủ tục đầu tư Trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống Tân Hiệp.
Ngay sau đó hai đơn vị được chọn lại xin thay đổi chủ đầu tư sang Công ty Cổ phần Tân Trung Sơn và UBND tỉnh Đồng Nai chấp nhận, cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án cho Công ty Cổ phần Tân Trung Sơn.
Công trình 500 tỉ đồng này vẫn “cửa đóng then cài”. Ảnh: DUY ĐÔNG
Để thực hiện được dự án này, UBND tỉnh Đồng Nai phải làm động tác hợp thức hóa bằng việc ban hành hai quyết định để điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa và sửa đổi, bổ sung một số nội dung của quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Đồng Nai đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Liên tục thay đổi thiết kế, thời gian thi công
Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án là xây dựng trung tâm thương mại - siêu thị kết hợp chợ truyền thống. Dự án được thiết kế gồm khối kiến trúc cao từ ba đến năm tầng nằm trong diện tích đất 16.000 m2 với tổng vốn đầu tư 176 tỉ đồng, thực hiện trong vòng hai năm.
Thế nhưng sau đó Công ty Tân Trung Sơn liên tục có văn bản xin điều chỉnh. Tháng 8-2008, xin điều chỉnh tên dự án thành Trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống và thay đổi khoảng lùi công trình. Đến tháng 3-2009, Sở Xây dựng có văn bản về điều chỉnh thiết kế cơ sở, thay đổi phương án móng, mở rộng thêm diện tích tầng hầm và cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư.
Tiếp đó, nhà đầu tư xin thay đổi thời gian thực hiện dự án từ năm 2007 đến 2009 thành 2009-2011 và lần thứ 2 đề nghị điều chỉnh quy mô dự án với chiều cao công trình từ ba đến năm tầng xuống 2-3 tầng; mục tiêu xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị cho thuê sỉ; xin điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án từ năm 2009 đến tháng 6-2012.
Thiết kế thay đổi, số tiền đầu tư cũng đội lên. Hiện tại theo báo cáo của chủ đầu tư thì công trình này đã tiêu tốn hơn 525 tỉ đồng, gấp gần ba lần so với ban đầu.
Không lấy ý kiến tiểu thương
Ngày 22-4-2010, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản đồng ý về chủ trương sắp xếp các sạp, kiốt tại chợ truyền thống Tân Hiệp theo phương án tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tiểu thương và phải được sự đồng thuận cao của bà con.
Song theo đề nghị của nhà đầu tư và UBND TP Biên Hòa, ngày 8-2-2011, Sở Xây dựng đã cấp giấy phép xây dựng thay thế cho giấy phép xây dựng đã cấp trong khi UBND TP Biên Hòa chưa bàn bạc với các hộ tiểu thương. Và đến giờ phút này, Sở Xây dựng cũng chưa chứng minh được việc điều chỉnh giấy phép xây dựng là phù hợp với yêu cầu.
Khi thay đổi phương án sắp xếp chợ, Sở Công Thương có văn bản đề nghị “UBND TP Biên Hòa lấy ý kiến của các hộ tiểu thương cho phương án mới để đảm bảo sự đồng thuận cao”. Tuy nhiên, do thay đổi thiết kế theo giấy phép xây dựng mới, chủ đầu tư và UBND TP Biên Hòa đã bố trí vị trí kinh doanh của các tiểu thương ở vị trí bất lợi hơn so với vị trí ban đầu khiến tiểu thương bức xúc, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
UBND TP Biên Hòa và chủ đầu tư đã có một số cam kết tưởng chừng như có lợi cho các hộ tiểu thương như hỗ trợ kinh phí di dời, tái bố trí điểm kinh doanh sau khi công trình hoàn thành, tăng thời gian hợp đồng kinh doanh, thụ hưởng các khoản thu về phí, lệ phí trong việc cho thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh. Dù vậy, theo các tiểu thương, những lợi ích trên quá nhỏ nhoi so với thiệt hại của họ khi bị dịch chuyển vào vị trí kinh doanh bất lợi, trái với cam kết ban đầu.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: