Mô hình quy hoạch trục Hồ Tây - Ba Vì từng được đưa ra lấy ý kiến người dân
Sau khi mở rộng Hà Nội năm 2008, mô hình cấu trúc Hà Nội đã được xác định rõ nét, đặc biệt có đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái.
Quy hoạch Hà Nội kế thừa các mô hình đã được định hướng trước đây, được xác định trong các quy hoạch năm 1961, 1974, 1976, 1981, 1992 và 1998 đều đã xác định các trục trung tâm.
Trục không gian quan trọng
Hà Nội có một số trục trung tâm rất quan trọng, mang đậm bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng là trục cửa ngõ thông điệp của Thủ đô với các vùng xung quanh gồm: Trục không gian nối Hồ Tây – Quảng An – Cổ Loa, đây là trục kết nối thời kỳ Kinh đô An Dương Vương với Thăng Long – Hà Nội đã và đang được hình thành.
Hiện nay nhiều công trình đang được xây dựng tại khu vực bán đảo Hồ Tây, các công trình văn hóa lớn tại Cổ Loa cũng đang hình thành như công viên Kim Quy, Triển lãm Quốc gia,…
Trục cảnh quan trung tâm của Hà Nội là trục sông Hồng với khoảng 40 km sông nội đô, 120 km sông Hồng nếu tính cả Hà Nội mở rộng. Đây được quy hoạch là trục cảnh quan minh chứng cho một Hà Nội phát triển với điểm nhấn là 18 cây cầu qua Sông Hồng.
Đặc biệt, trục cảnh quan Hồ Tây - Ba Vì là trục không gian, cảnh quan quan trọng nhằm kết nối khu vực cảnh quan truyền thống của Ba Vì với Hồ Tây. Cần lưu ý, đây là trục không gian, cảnh quan, kiến trúc, không phải trục giao thông. Trục này được quy hoạch để tạo ra hình ảnh về một Thủ đô Hà Nội không phải chỉ có phần đô thị mà còn có đặc trưng về kiến trúc, cảnh quan là Ba Vì.
Trục Hồ Tây - Ba Vì đã được xác định năm 2008 và thể chế hóa trong quy hoạch năm 2011. Đến năm 2016 được cụ thể quy hoạch trong quy hoạch giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và xác định đây là một trục rất quan trọng.
Ngoài ra, Hà Nội còn một số trục khác như 8 trục giao thông xuyên tâm từ ngoại thành vào nội đô, 4 trục vành đai xung quanh, tất cả đều nhằm tạo nên một hình ảnh về một Hà Nội hiện đại và phát triển.
Nhiệm vụ phải thực hiện
Trục Hồ Tây - Ba Vì đã được duyệt theo quy hoạch năm 2011 và đánh giá là 1 trong những trục quan trọng. Với Hà Nội, thành phố cũng đã có 7 lần quy hoạch, quá trình phát triển trục cảnh quan theo định hướng mới thì công tác di dời GPMB là việc tất yếu phải thực hiện, là nhiệm vụ phải thực hiện để hoàn thành các trục mới.
Dự án trục Hồ Tây - Ba Vì đi qua giữa khu tái định cư của quận Bắc Từ Liêm.
Vấn đề là khi triển khai chi tiết các quy hoạch Trục phải khảo sát thực tế hiện trạng để có giải pháp hợp lý, xác định đúng chức năng, nhiệm vụ của trục. Đối với trục Hồ Tây – Ba Vì đây không hẳn là một trục giao thông xuyên tâm mà là trục không gian cảnh quan. Như vậy, đã là không gian, cảnh quan thì không gian là quan trọng, có thể có những đường đi mềm mại chứ không nhất thiết phải thẳng băng như một đường thẳng.
Vấn đề quan trọng nhất đặt ra là trách nhiệm của người lập dự án để thực hiện các quy hoạch. Nếu trong quá trình thực hiện, người dân và dư luận có ý kiến về việc nên điều chỉnh quy hoạch để tránh gây lãng phí tiền của nhà nước đồng thời cũng không gây ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của đông đảo nhân dân thì cũng cần lưu tâm, xem xét thấu đáo.
Đối với trục Hồ Tây – Ba Vì, cần nhắc lại quan điểm đây là trục không gian kiến trúc cảnh quan chứ không phải trục đường. Khi người dân đề xuất cần xem xét, cân đối giữa mục tiêu đạt được với yếu tố GPMB. Còn việc một trục đường trong quy hoạch có đi qua hay không một khu vực cụ thể nào đó thì cần điều tra thực tế, xem xét các yếu tố, phân tích ưu nhược điểm trên tinh thần chú trọng nguyện vọng của người dân.
Trong quy trình lập và triển khai quy hoạch hiện nay, một khi muốn điều chỉnh quy hoạch nào đó thì phải có ý kiến của người dân, có đồng thuận của người dân, nếu người dân có ý kiến thì phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: