Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho rằng cung vượt cầu là một lý do khiến thị trường bất động sản khó khăn, mà nguyên nhân của tình trạng này lại là sự thả nổi trong hoạt động cấp phép dự án xây dựng. Theo ông, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đã cấp phép tràn lan các dự án không phù hợp với thị trường dẫn đến cung vượt cầu.
"Một số xã ở Hòa Bình, trong một đêm cấp phép hàng loạt dự án. Việc cấp phép tràn lan liên quan đến lợi ích nhóm của người xin kẻ cho", ông Hùng nói.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất không nên để địa phương đứng ra rà soát các dự án mà Bộ cần phải trực tiếp làm, thay vì đóng vai trò thẩm tra. Ảnh: Hoàng Lan.
Theo ông Hùng, là phải kiểm soát chặt chẽ những dự án bất động sản, câu chuyện bàn đến nhiều lần nhưng vẫn chưa "thẳng tay" làm được. Ngoài việc nghiên cứu, rà soát phân loại các dự án tạm dừng, điều chỉnh quy mô, chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội cần xem xét thu hồi các dự án. Lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất không nên để địa phương đứng ra rà soát các dự án mà Bộ cần phải trực tiếp làm, thay vì đóng vai trò thẩm tra.
"Giao nhiệm vụ rà soát dự án cho địa phương sẽ rất dễ đến việc thỏa hiệp, kéo dài vì địa phương chính là cơ quan cấp phép cho dự án, còn doanh nghiệp mất tiền của để xin dự án. Việc này hết sức cấp bách nhưng tôi cũng rất lo lắng về cách điều hành tổ chức thu hồi như thế nào", ông Hùng nghi ngại.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng không nên để địa phương thực hiện rà soát các dự án. Trước đó, Bộ đã tiến hành kiểm tra rà soát các dự án ở 11 thành phố trọng điểm trong đó trình Thủ tướng về các dự án tạm dừng, dừng và xem xét thu hồi, để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
"Có tỉnh chỉ đề xuất thu hồi... 1% dự án, trong khi chúng tôi nghĩ phải đến 40 dự án tỉnh bị thu hồi", ông lấy ví dụ về việc cấp phép tràn lan.
Đồng tình quan điểm trên, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay, 2012 là một năm đầy khó khăn của thị trường bất động sản. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, giá cả bất động sản sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch. Tình hình giao dịch bất động sản rất ảm đạm. Năm 2013 thị trường, doanh nghiệp sẽ còn phải đối diện với nhiều khó khăn, địa ốc sẽ còn tiếp tục trầm lắng, tồn kho xây dựng còn nhiều. Do đó, theo Bộ trưởng, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, cần gắn bất động sản với chiến lược phát triển bền vững.
Theo Bộ trưởng Dũng, chất lượng công trình cũng là vấn đề cần quan tâm. Năm 2012, cả nước có khoảng 51.600 công trình xây dựng. Trong đó, số lượng công trình từng được ghi nhận có sự cố chiếm khoảng 0,08%.
"Thực tế, chất lượng ở nhiều công trình xây dựng còn thấp. Dự án tuy không sập không đổ nhưng chất lượng hoàn thiện vẫn kém. Cũng cùng đồng tiền bỏ ra nhưng người dân làm thì rất đẹp còn vốn từ ngân sách Nhà nước rót vào lại không tốt", ông Dũng nói.
Để giải quyết các vấn đề trên, theo ông Hùng, trong thời gian ngắn, các dự án phải công khai minh bạch trên thông tin đại chúng về quy mô, vốn đầu tư, tiến độ triển khai... Ngoài ra, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng cần lập các đoàn kiểm tra, trong đó ngoài trưởng đoàn do Bộ Xây dựng dẫn đầu còn có Hội đồng nhân dân thành phố, các hiệp hội cùng tham gia.
Ông Hùng kiến nghị, các giải pháp cho vay cần có chính sách ổn định để đảm bảo an toàn cho các chủ đầu tư. Đồng thời kiểm tra các dự án sai phạm, nhất là trường hợp chạy dự án, dự án ma, lừa đảo... Ngoài ra cần bổ sung luật thuế nhà đất, theo hướng những người sở hữu nhiều nhà đất sẽ bị đánh thuế lũy tiến.
Đồng tình quan điểm trên, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, năm 2013, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực của ngành; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng...
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: