Nhỏ bị soi
Cách đây mấy hôm, BIDV ký thỏa thuận hợp tác với hai ngân hàng được cho là thuộc dạng nhỏ: GP Bank và BacA Bank. Việc ký hợp tác giữa các DN có lẽ là chuyện thường tình, tuy nhiên, việc hợp tác giữa một ông lớn quốc doanh với hai ngân hàng hàng cổ phần nhỏ đã gây sự chú ý trên nhiều phương diện. Sự việc càng được "soi" khi việc ký kết vào một thời điểm khá nhạy cảm: dư luận đang rầm rộ thông tin tái cơ cấu ngân hàng.
Chính vì thế, ngay tại ký kết, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, đây là một minh chứng về xu hướng liên kết, hỗ trợ nhau phát triển hướng tới sự lành mạnh... phù hợp với xu hướng tái cơ cấu của ngân hàng. Việc làm này hết sức bình thường tuy diễn ra trong thời điểm được cho là nhạy cảm.
Vị quan chức của NHNN trên phải trấn an bởi trước đó, các thông điệp về tái cơ cấu ngân hàng được đưa ra, kèm theo đó rất nhiều chuyên gia chỉ ra đối tượng đầu tiên là hàng chục ngân hàng nhỏ. Khi việc ký kết này được công bố, nhiều người nghiêng về giả thiết: ngân hàng lớn sẽ được giao "kèm cặp" một vài ngân hàng nhỏ vượt qua những khó khăn trước mắt. Nếu phát triển tốt, ngân hàng lớn có phần trong ngân hàng nhỏ, còn không thì ngân hàng nhỏ sẽ phải bị thâu tóm sáp nhập.
Nhưng, một điều khoản quan trọng của thỏa thuận này là BIDV hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng thanh khoản cho hai ngân hàng nhỏ lại trở nên vô cùng nhạy cảm khiến cả 3 bên phải đồng thanh minh để tránh bị hiểu nhầm.
Đại diện BIDV cho biết, đây chỉ là một phần của thỏa thuận hỗ trợ mang tính chất dự phòng, hoàn toàn không có chuyện hai ngân hàng trên mất thanh khoản. Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT của BIDV, cho biết, việc tái cơ cấu sẽ có đề án của Ngân hàng Nhà nước, nhưng chắc chắn không ai phá sản hay giải thể, không gây đổ vỡ và không gây ra phản ứng dây chuyền. Trong quá trình đó, mọi ngân hàng đều phải tự hoàn thiện mình, nên hoàn toàn không có chuyện chỉ ngân hàng nhỏ mới bị tái cơ cấu.
Mỗi ngân hàng nhỏ luôn phải tạo cho mình một thế mạnh, một cách đi riêng để thành công (ảnh minh họa) |
Đại diện GP Bank và BacA Banh cũng lập tức thanh minh để tránh bị hiểu nhầm khi khẳng định họ không có vấn đề về thanh khoản. Các chỉ số đều tốt. Và mỗi ngân hàng đều chọn cho mình một cách đi riêng để phát triển...
Thực tế, sau những biện pháp của ngân hàng đã lộ ra hàng loạt hạn chế và cả vi phạm của các ngân hàng nhỏ, như chất lượng tín dụng có vấn đề, dịch vụ ít ỏi, con người và công nghệ hạn chế... Đặc biệt, khi nhóm G12 ra đời và mạnh tay hơn trong việc kiểm soát các ngân hàng nhỏ càng khiến cho mối nghi ngờ to lên. Cả người dân và toàn thị trường hướng con mắt soi xét về phía các ngân hàng nhỏ. Chính vì thế, từ câu chuyện trên đây - một sự kiện bình thường - lại lộ ra những điểm nhạy cảm khiến các ngân hàng phải lo lắng bị "hiểu nhầm" nên phải rào đón.
Tuy nhiên, trong khi dư luận đang dồn về phía các ngân hàng nhỏ thì nhiều chuyên gia tài chính lâu năm, nhất là những người có kinh nghiệm làm việc quốc tế, lại có cái nhìn khách quan hơn. Thừa nhận Việt Nam đang có nhiều ngân hàng và cần phải tái cơ cấu để có một hệ thống mạnh hơn nhưng điều đó không đơn thuần là cắt bớt những ngân hàng nhỏ.
Bởi vì, vốn chỉ là một tiêu chí để đánh giá ngân hàng. Bản chất ngân hàng là tổ chức trung gian tài chính. Phần lớn nguồn vốn của ngân hàng có được là từ đi vay nên vốn chủ sở hữu thường chỉ chiếm từ 10-15% tổng nguồn vốn. Vì thế, thông thường, người ta sử dụng tổng tài sản làm chỉ tiêu phân loại quy mô ngân hàng. Bên cạnh đó, quan trọng hơn là một hệ thống tiêu chí đánh giá an toàn và chất lượng của ngân hàng mà không hoàn toàn phụ thuộc vào vốn. Do vậy, không có khái niệm ngân hàng nhỏ là yếu.
Thậm chí, với số vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng - tương tương 150 triệu USD - thì so với mặt bằng ở nhiều nước lại hoàn toàn không hẳn là nhỏ. Trong hệ thống ngân hàng của Mỹ có đến trên 35% ngân hàng mà số vốn dưới 100 triệu USD. Điều đó có nghĩa, nhỏ hay to về vốn không thể là một sự đảm bảo đúng như các ngân hàng vẫn thường nói: quan trọng chưa hẳn là quy mô mà tốc độ; hiệu quả và tính an toàn.
Thị trường có nhỏ có to
Trao đổi sơ bộ về xu hướng tái cơ cấu, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cũng cho rằng, những ngân hàng khó khăn cần được hỗ trợ qua giai đoạn trước mắt, sau đó tiếp tục hỗ trợ phát triển và an toàn hơn. Ngân hàng quy mô nào cũng cần thiết và có đóng góp nếu phát triển lành mạnh. Trên thị trường có ngân hàng lớn, ngân hàng nhỏ. Cạnh tranh sẽ khiến các ngân hàng phát triển, hoàn thiện hơn.
Mục tiêu của tái cấu trúc ngân hàng là phát triển lành mạnh và hiệu quả hơn cho toàn hệ thống chứ không thể hiểu chỉ hướng vào ngân hàng nhỏ. Còn việc mua bán, sáp nhập là tự nguyện và được khuyến khích.
Đại diện GP Bank cũng cho rằng, có những ngân hàng nhỏ đã phát triển lành mạnh, rồi đột phá thành công khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Vì thế, việc lớn nhỏ bản đầu không quan trọng bằng làm thế nào để đi đến thành công.
Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng giám đốc Tienphong Bank, nhận xét, các ngân hàng nhỏ gặp rất nhiều khó khăn như mạng lưới nhỏ, khó tiếp cận được đông đảo người dân, thương hiệu còn mới... song, cái khó nhất là áp lực cạnh tranh lớn trong toàn hệ thống. Nhưng, với lợi thế uyển chuyển và năng động, các ngân hàng nhỏ dễ dàng thích ứng, đối phó với tình hình thị trường; đồng thời cơ cấu tài sản của ngân hàng nhỏ cũng rõ ràng mạch lạc hơn, dễ quản trị rủi ro hơn.
Vì thế, TienPhong Bank chủ trương cạnh tranh bằng hệ thống sản phẩm dịch vụ toàn diện, liên tục được cải tiến để mang lại tiện ích thực sự cho khách hàng. Và uy tín sẽ được hình thành dần dần một cách bền vững nhất.
"Ngân hàng nhỏ không có nghĩa là yếu. Sức khỏe của ngân hàng được đo bằng ROE, ROA, CAR, Basel I, Basel II... và ở Việt Nam là Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống sản phẩm dịch vụ", ông Việt Anh nói.
Hơn thế, trong cạnh tranh, mỗi ngân hàng nhỏ luôn phải tạo cho mình một thế mạnh, một cách đi riêng để thành công. Đây là điều mà nhiều ngân hàng nhỏ đang tìm kiếm để tồn tại và đột phá.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: