Nông dân Nguyễn Văn Xích vui với “vườn ao chuồng”. Ảnh: Kỳ Quan
Nói “chấn động” bởi Long An là địa phương đầu tiên của cả nước có chủ trương này và việc trả đất chỉ trong một thời gian ngắn đã mang lại đổi thay nhãn tiền cho cuộc sống của người dân.
Nhớ cảnh sống “treo”
Cách đây đúng hai năm, tôi đến xã Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) khi số phận của dự án sân golf rộng 280ha ở nơi đây vẫn chưa ngã ngũ. Cánh đồng thuộc loại màu mỡ nhất nhì tỉnh Long An, mỗi năm trồng được 3 vụ lúa năng suất cao này hiện lên những cảnh trái ngược nhau. Vụ lúa hè thu đang thu hoạch rộ, lúa trĩu bông vàng rực cả cánh đồng, lúa vừa thu hoạch chứa trong bao chất đầy trên các bờ ruộng. Thế nhưng, con đường đất từ QL62 vào đây lầy lội, còn nhà dân thì xập xệ, tạm bợ.
Một dự án sân golf đã được cấp phép cách đó 4 năm, nhưng “án binh bất động”, nên đường sá, nhà cửa, cuộc sống của người dân cũng “treo” theo dự án. Khi tôi ghé thăm, vợ chồng anh Võ Văn Tùng (ấp 4 xã Mỹ Phú) đang hì hục chống tạm lại căn nhà để “sống qua ngày” vì cơn dông hôm trước đã xô ngã. Tạm bợ và bất an đến thế nhưng anh không được phép sửa chữa đúng nghĩa nói chi làm mới. Tất cả đang lay lắt “chờ dự án”.
Cách đó không xa, vợ chồng ông Nguyễn Văn Xích muốn xây dựng chuồng trại nuôi heo để cải thiện cuộc sống cũng không được. Trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Văn Trọng (ấp 1 xã Mỹ Phú) lại khó theo kiểu khác. Vợ chồng anh vừa cất được ngôi nhà khá “hoành tráng”, nhưng nhà cất gần xong, chưa kịp hoàn tất thì được yêu cầu không xây cất gì thêm, cũng vì điệp khúc “chờ”. Con đường đất từ QL62 dắt vào xóm cũng chịu chung cảnh khổ, mưa xuống là lầy lội, trẻ con đi học té lên té xuống, dù bà con ở đây đã sẵn tiền làm con đường đàng hoàng.
Bây giờ trở lại Mỹ Phú, cũng vào mùa mưa, nhưng chiếc xe gắn máy của tôi không bị “mắc lầy” như lần trước. Con đường khổ ải giờ đã được đổ đá cao ráo, sạch sẽ, người xe phơi phới đi lại. Ngôi nhà của anh Trọng đã hoàn tất, như một biệt thự nhỏ xinh xắn nổi bật giữa đồng lúa.
Chị Thanh - vợ anh Trọng - cho biết lúc ấy vợ chồng chị đã đặt cọc số tiền tương đương 1 cây vàng để mua lô đất ngoài lộ, chuẩn bị “đập nhà, giao đất” cho dự án, ra ngoài lộ cất lại nhà sinh sống bằng nghề khác. Giờ xóa dự án, vợ chồng chị quyết định ở lại với ruộng đồng, chị được chủ đất trả tiền đặt cọc, dù bây giờ tiền ấy chỉ mua được vài chỉ vàng.
Đất, người hồi sinh
Con đường từ QL62 vào ấp 1, rồi ấp 4 xã Mỹ Phú chỉ dài vài cây số, nhưng tôi đếm được đến hơn 30 ngôi nhà đang cất hoặc mới cất xong, màu gạch hồng, ngói đỏ hiện lên nổi bật trên cánh đồng mới qua vụ lúa hè thu. Tôi ghé thăm một ngôi nhà 2 tầng mới cất thuộc loại bề thế nhất, chủ nhà – anh Trần Văn Vũ – cho biết, vì dự án “treo” nhiều năm, người dân không thể sửa sang hoặc cất lại nhà, con cái lớn lên cũng không “ra riêng” được, vì vậy sau khi xóa dự án, bà con đua nhau cất nhà mới hoặc sửa chữa lại nhà.
Cánh đồng xã Mỹ Phú từng là dự án sân golf.
Đến thăm vợ chồng anh Võ Văn Tùng, tôi không còn nhận ra căn “chòi” tạm bợ ngày nào, thay vào đó là ngôi nhà mới, tuy chưa thật khang trang, nhưng cũng đủ đứng vững trước dông gió. Anh cho biết, sau khi dự án sân golf chính thức “đi qua”, mấy đứa con anh đã hùn tiền giúp vợ chồng anh cất lại nhà bằng cột sạn, vách tường; còn vợ chồng anh cố gắng làm lụng tích lũy để lát gạch, làm thêm nhà bếp.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Xích nhà ở kề bên - bây giờ đã có thể “thỏa chí” chăn nuôi. Dãy chuồng heo bề thế được vợ chồng ông xây dựng lên sau ngày công bố “xóa dự án” giờ đã là nơi “an cư” của 4 con heo nái đang kỳ thai nghén. Kế bên là ao cá “vườn ao chuồng” cùng bầy vịt “siêu nạc” mập ú tung tăng bơi lội.
Ông Xích vừa đóng chuồng nuôi trăn, vừa tâm sự: “Nghĩ tới cảnh phải rời bỏ nhà cửa, ruộng đất của ông bà để lại, rồi đến sống ở nơi khác mà chưa biết phải sống bằng nghề gì, nhiều đêm tôi không ngủ được. Giờ đã “an cư”, tui đủ sức làm giàu trên ruộng đất của mình”.
Ông cho biết, ruộng ở đây làm được 3 vụ/năm, nhưng ông chỉ canh tác 2 vụ, còn để thời gian cho đất nghỉ. Đó là thời gian vợ chồng ông tập trung cho chăn nuôi, vừa tạo thêm thu nhập, vừa là cái thú, suốt ngày nghe tiếng kêu vui tai của heo, gà, vịt, rồi nhìn đàn cá ăn mồi dưới ao... Cảnh nhà ông Xích bây giờ sao mà “sinh động”, đầy sức sống, so với cái cảnh vắng tanh như lần trước tôi đến thăm.
Ngay bên cạnh nhà ông Xích là 2 ngôi nhà tường sắp xây dựng hoàn tất. Đó là nhà của các đôi vợ chồng trẻ vừa được cha mẹ cho “ra riêng”. Lẽ ra họ đã làm như thế từ lâu, nhưng vì “kẹt dự án” nên phải chờ đến nay. Anh Nguyễn Thành Đạt mừng vui như nằm mơ khi lần đầu tiên có nhà riêng, mà lại là nhà to, đẹp. Không chỉ vậy, con đường trước nhà anh mới ngày nào lầy lội, giờ đang được xe ủi rộng ra, chuẩn bị đổ đá, đủ cho xe 4 bánh ra vào.
Năm nay ăn tết lớn
Nằm kẹp giữa 2 dòng Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây là dải đất thuộc huyện Tân Trụ tỉnh Long An. Nơi này đã đi vào lịch sử, thơ ca: “Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông. Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng. Đuổi Pháp đi rồi nay đuổi Mỹ xâm lăng. Giặc đi đời giặc sông càng xanh trong”. Cũng nhờ phù sa 2 dòng Vàm Cỏ bồi đắp mà dải đất này rất màu mỡ. Con đường từ QL1A đi về thị trấn Tân Trụ giờ tráng nhựa phẳng lỳ, hai bên là đồng lúa. Đến xã Bình Lãng, quẹo phải vào ấp Thanh Phong, con đường làng tráng nhựa đi giữa cánh đồng xanh trải dài hút mắt.
Theo lão nông Lục Văn Đạo, đây là cánh đồng thuộc loại màu mỡ nhất tỉnh Long An, mỗi năm trồng được 3 vụ lúa, trong đó vụ đông xuân có thể đạt năng suất đến 10 tấn/ha. Chất lượng lúa ở đây cũng đặc biệt tốt: Nếu ở nơi khác 20kg lúa chà ra được 12kg gạo thì ở đây được đến 13kg. Cánh đồng này đã từng bị “treo” (1 dự án cụm công nghiệp 168ha) suốt gần 10 năm trời, vừa mới được “xóa” cách đây mấy tháng.
Trưởng ấp Thanh Phong – ông Nguyễn Văn Ánh – cho biết, trong gần 10 năm ấy, bà con nông dân có đất nằm trong vùng quy hoạch dự án phải chịu bao điều phiền phức: Không được sang nhượng, không thể cho con cái “ra riêng”, không được sửa chữa nhà cửa, ông bà qua đời không được chôn trên đất...
Hiện lên giữa cánh đồng xanh, ngôi nhà của vợ chồng anh chị Đỗ Văn Phương – Ngô Thị Út như một nét chấm phá. Chị Út cho biết, suốt gần 10 năm trời nhà cửa xuống cấp mà vợ chồng chị không thể sửa, muốn đổ đan con đường vô nhà cũng không được, xe gắn máy phải gửi bên ngoài. Sau khi được thông báo “xóa dự án treo”, anh chị sửa ngay nhà cũ, cất thêm nhà sau, rồi đổ đan con đường vô nhà. “Năm nay nhà cửa tươm tất, lúa lại trúng mùa, vợ chồng tui ăn tết lớn!” - chị Út nói.
Lão nông Lục Văn Đạo là người có nhiều ruộng nhất nằm trong “dự án treo”, đến 3 hécta. “Nếu bồi hoàn làm dự án công nghiệp, chắc tui cũng được khoảng 2 tỉ đồng. Tui tưởng tượng, tuổi già ôm tiền tỉ không biết đi đâu, làm gì, chắc buồn chết” - ông tâm sự. Nhìn ông đi băng băng giữa cánh đồng, tôi không thể hình dung ông đã gần tuổi 70.
Trước đó, khi nghe chị Ngô Thị Út nói: “Từ khi xóa dự án, trả đất lại cho nông dân, lúa trên đồng như xanh hơn”, tôi nghĩ đó chỉ là cảm giác, do tâm lý mà thôi. Nhưng khi gặp lão nông Lục Văn Đạo, ông cho rằng đó là thực tế chứ không phải tâm lý: Khi người nông dân không còn nơm nớp lo âu phải rời khỏi đất đai, họ toàn tâm toàn ý, họ dồn hết công sức cho ruộng đất, nên cây lúa tốt hơn, xanh hơn là đương nhiên!
Đã hoàn trả cho dân hơn 500ha đất ruộng
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: