Khu nhà tái định cư Thủ Thiêm, quận 2 , HCM. Ảnh Bảo Chương
Theo số liệu báo cáo của TPHCM thì hiện trên địa bàn thành phố còn 3.799 nền/căn hộ tái định cư (TÐC) hiện còn dư thừa, chưa sử dụng. UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Xây dựng phải làm việc cụ thể với từng quận, huyện để rà soát, cập nhật, điều chỉnh kế hoạch để phân bổ nền đất và căn hộ TĐC này từ những quận, huyện còn thừa sang các quận, huyện còn thiếu.
UBND TP cũng yêu cầu các quận, huyện phải rà soát toàn bộ các dự án trên địa bàn thành phố, nếu có trường hợp người dân đang tạm cư (tương tự trường hợp tạm cư của dự án khu Thủ Thiêm; dự án xây dựng chung cư cũ tại quận 10...) thì phải làm việc ngay với chủ đầu tư, yêu cầu chấm dứt tạm cư trước ngày 30.6.2014 và chủ đầu tư chịu trách nhiệm bố trí quỹ nhà tái định cư; phải cam kết thời hạn xây dựng xong quỹ nhà để giải quyết ngay yêu cầu chỗ ở ổn định cho người dân. Nếu không xây dựng kịp quỹ nhà theo tiến độ cam kết, chủ đầu tư phải mua quỹ nhà tương đương để bố trí tái định cư cho dân.
Câu chuyện tồn kho nhà TĐC của thành phố có nhiều nguyên nhân, nhưng chung quy lại có thể thấy chương trình mới chỉ chú trọng đến công tác vận động người di dời để lấy mặt bằng mà chưa chú trọng đến đời sống của họ sau giải tỏa cũng như là điều kiện kinh tế của họ.
Đơn cử, như việc TP mua lại 350 căn hộ tại chung cư 481 Bến Ba Đình (Q.8) từ Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn để tái định cư cho dự án cải tạo chỉnh trang đô thị Rạch Ụ Cây, cầu Bình Tiên (Q.8).
Tuy nhiên, đến nay các căn hộ này vẫn bị bỏ hoang vì một nguyên nhân chính, đó là giá bán của dự án này (từ 1,4 tỉ đồng - PV) - một mức giá khá cao so với người dân bị giải tỏa - vốn là những người có thu nhập thấp.
Một dự án TĐC có lượng tồn kho “khủng” khác là dự án Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). Dự án được xây dựng “hoành tráng”, rộng hơn 30ha, vốn đầu tư 1.062 tỉ đồng, gồm 45 lô chung cư với gần 2.000 căn hộ và 559 nền đất dùng làm quỹ nhà TĐC cho các dự án trọng điểm trên địa bàn TP.
Mặc dù đã bàn giao nhà từ năm 2010, nhưng hiện mới gần 200 căn hộ có người ở và 65 nền đất được xây dựng. Nhiều hộ dân được đưa về đây TĐC đều nhất quyết không chịu do quá xa nơi ở cũ, xa trung tâm TP, trong khi giá bán đến hơn 8 triệu đồng/m2.
Hiện nay trong chương trình xây dựng nhà TĐC trên địa bàn TP, chương trình xây dựng 12.500 căn phục vụ tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm là lớn nhất. Năm 2013 hoàn thành khoảng 1.080 căn, đã được đưa vào sử dụng, nâng tổng số quỹ nhà lên 2.204/12.260 căn.
Ngoài ra, chương trình đầu tư xây dựng 30.000 căn tiếp tục được triển khai, đến nay đã hoàn thành 25.140 căn/nền đất. Như vậy, số lượng nhà tái định cư đã và sẽ xây dựng trên địa bàn trong thời gian tới khá lớn.
Trong khi đó, cơ chế mua bán, ràng buộc trách nhiệm chưa rõ ràng, người dân cũng không muốn vào ở nhà chung cư tái định cư vì bất tiện cho sinh hoạt, phí hằng tháng… Do đó, theo đánh giá của các doanh nghiệp, nếu TP không giải quyết những bất cập nói trên, sẽ dẫn đến tình trạng bội thực nhà chung cư.
Mới đây, Sở Xây dựng cũng đã đề xuất giải pháp chuyển từ nhà TĐC sang nhà ở xã hội để giải quyết hàng tồn kho TĐC. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, ngay bản thân nhà ở xã hội cũng đang phải đối mặt với một nguồn cung dự báo khá lớn từ các dự án nhà ở thương mại cũng như phải cạnh tranh với phân khúc nhà ở thương mại về yếu tố giá bán, chính sách khuyến mãi…
Một lo ngại đang được đặt ra, việc chuyển đổi nhà TĐC sang nhà ở xã hội nếu không khéo sẽ đẩy tồn kho từ nhà TĐC sang tồn kho nhà ở xã hội.