Phương án bồi thường, hỗ trợ ban đầu khá hợp lý, được người dân đồng tình. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau UBND Quận 9 đơn phương ban hành quyết định mới, theo đó, số tiền bồi thường, hỗ trợ mà người dân thực nhận đã “teo tóp” đi quá nhiều.
Có hộ bị “xén” chỉ còn 1/40 so với số tiền theo phương án được duyệt ban đầu.Điển hình là trường hợp của bà Dương Mỹ Châu (SN 1957, ngụ quận 1), gia đình bà bị thu hồi 54.699,3m2 đất tại phường Long Bình, quận 9.
Trong danh sách 211 hộ dân bị thu hồi đất có chữ ký duyệt của ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND Quận 9, kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) thì bà Châu được bồi thường hỗ trợ hơn 33,787 tỷ đồng. Cụ thể: tiền đất 18,707 tỷ; cây trồng, vật nuôi hơn 6,877 tỷ; hỗ trợ ngừng sản xuất 7,488 tỷ; hỗ trợ đất 750 triệu...
Phương án đền bù tiền tỉ, quyết định thực hiện tiền triệu
Phương án được duyệt rõ ràng như thế nhưng đến ngày 27/3/2013, chính ông Nguyễn Văn Thành lại bất ngờ ký Quyết định 340/QĐ-UBND công bố giá trị bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho gia đình bà Châu với tổng số tiền chỉ còn 814,72 triệu đồng.
Gần 5 tháng sau, ngày 7/8/2013, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thành ký tiếp quyết định thu hồi 18.948,4m2 đất của hộ bà Châu với lý do: Bà Châu “lấn chiếm sử dụng” trên phần diện tích đất công do UBND phường Long Bình quản lý(!).
Trước sự việc này, bà Châu không khỏi bức xúc: “Khu đất của gia đình tôi có nguồn gốc rõ ràng. Từ lâu, gia đình tôi đã quản lý, sử dụng trồng điều, sau là bạch đàn, cây ăn trái...
Bảng chiết tính của Ban BTGPMB quận 9 cũng xác định trên khu đất của tôi trồng hàng nghìn cây điều (có 1.630 cây đang thu hoạch), hàng trăm cây tràm bông vàng. Vậy Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thành căn cứ vào đâu để quy kết gia đình tôi lấn chiếm đất rồi quyết định “tóp” số tiền bồi thường xuống còn 814,72 triệu đồng, chưa bằng 1/40 số được duyệt ban đầu?”.
Đất cha mẹ cho bị quy là đất lấn chiếm
Không riêng bà Châu, hàng chục gia đình khác cũng bị “tóp” số tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nên cùng gửi đơn khiếu nại. Chẳng hạn như gia đình bà Cao Thị Phượng Vĩ được Phó Chủ tịch UBND Quận 9 kiêm Chủ tịch Hội đồng BTGPMB dự án duyệt theo phương án với số tiền là 14,811 tỷ đồng, nhưng đến khi ra quyết định bồi thường, số tiền này chỉ còn 280 triệu (giảm hơn 14,53 tỷ đồng).
Đồng cảnh ngộ với bà Vĩ là gia đình bà Cao Thị Tấn Diệp, được ông Phó Chủ tịch Quận 9 duyệt 10,75 tỷ, đến khi nhận Quyết định bồi thường chỉ còn 246,43 triệu (giảm hơn 10,5 tỷ đồng). Rồi gia đình ông Trần Tấn Kim được duyệt 3,955 tỷ, nhưng quyết định bồi thường còn lại 83,83 triệu (giảm hơn 3,8 tỷ đồng)...
Trường hợp đau khổ nhất phải kể đến gia đình ông Ngô Quốc Khánh. Theo phương án đã phê duyệt, ông Khánh được bồi thường hỗ trợ 6,148 tỷ đồng, đến khi nhận Quyết định chỉ còn 23,654 triệu (giảm hơn 6,125 tỷ đồng).
Bà Châu Thị Nở, một trong những hộ gia đình bị thu hồi đất nghẹn ngào: “Đất của tôi do mẹ ruột cho cất nhà ở ổn định từ lâu, vậy mà trong Quyết định lại biến thành đất lấn chiếm để rồi chỉ duyệt cho tôi hơn 8 triệu đồng tiền bồi thường, hỗ trợ để giải tỏa trắng diện tích (phương án duyệt ban đầu là 295,34 triệu đồng). Chúng tôi sẽ sinh sống ra sao với khoản tiền này sau khi nhà đất không còn?”.
Như vậy, chỉ với 12 trường hợp, tổng số tiền chênh lệch đã hơn 85 tỷ đồng, nếu tính cả 211 hộ bị thu hồi nhà đất, khoản này có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Theo các hộ dân, họ sẵn sàng giao nhà, đất để thực hiện dự án nhưng họ phải được bồi thường thỏa đáng, công khai, minh bạch theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các hộ dân, tránh khiếu kiện kéo dài, đề nghị UBND TP.Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh-kiểm tra toàn diện dự án nói trên./.