Ngày 11/10/2011, UBND TP Hồ Chí Minh có công văn khẩn đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp di dời Chung cư Cô Giang (quận 1). Khu chung cư gồm 4 lô được xây dựng từ năm 1964 nay có hơn 900 hộ dân đang sinh sống hiện đã xuống cấp trầm trọng. Khu đất sau khi giải tỏa sẽ giao cho một liên doanh để đầu tư phức hợp gồm 1.300 căn hộ kết hợp trung tâm bán lẻ.
Người dân ở chung cư Cô Giang vẫn chưa chịu di dời do chưa đồng tình trong chính sách đền bù. |
Đối với người dân tự lo chỗ ở thì được bồi thường 750 triệu đồng = 25 triệu x 30 m2 (25 triệu là tiền bồi thường bình quân/m2 tại chung cư; 30 m2 là diện tích căn hộ tối thiểu để TĐC), bất kể diện tích nhà ở nhỏ hơn 30 m2 (chung cư Cô Giang có 3 loại căn hộ: 12 m2, 24 m2 và 36 m2).
Theo phân tích của các hộ dân, phương án này chỉ có lợi cho loại căn hộ có diện tích nhỏ dưới 30 m2, còn sẽ gây thiệt thòi cho những căn hộ trên 30 m2.
Tuy nhiên mâu thuẫn mà người dân bức xúc và chưa chịu giao nhà là trong giấy chứng nhận đầu tư của dự án, chủ đầu tư xin và được chấp thuận hưởng các chính sách ưu đãi của Nghị quyết 34 ngày 3/7/2007 của Chính phủ về một số giải pháp để thực hiện cải tạo chung cư bị hư hỏng, xuống cấp. Trong khi tiến hành bồi thường cho dân trong chung cư thì chủ đầu tư lại lờ đi Nghị quyết này mà áp dụng Quyết định 35 của UBND TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, theo ông Huỳnh Minh Ngọc, ngụ tại căn 520 lô B, chung cư Cô Giang, trong Nghị quyết 34 quy định “trường hợp chủ sở hữu căn hộ không có nhu cầu TĐC tại chỗ khi dự án hoàn thành thì được phép bán căn hộ của mình cho chủ đầu tư theo giá thỏa thuận trước khi phá dỡ chung cư cũ” hay “được thuê mua theo giá nhà nước ban hành sau khi căn hộ hoàn thành nếu trước đó căn hộ chưa được mua theo Nghị định 61”. Theo các hộ dân, rõ ràng nếu thỏa thuận mua bán cho từng loại căn hộ thì giá thị trường của một căn hộ chung cư có vị trí đẹp tại trung tâm quận 1 sẽ lớn hơn rất nhiều và sẽ công bằng hơn so với hình thức đền bù như hiện tại.
Bài toán khó
Khó khăn trong việc giải tỏa tại chung cư Cô Giang chỉ là một ví dụ. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP.HCM hiện có 1.022 chung cư, trong đó có 570 chung cư, nhà tập thể được xây dựng trước năm 1975. Phần lớn các chung cư này đều hết niên hạn sử dụng, xuống cấp trầm trọng và tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như quận 10, quận 3, quận 5. Ông Nguyễn Văn Danh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: Giai đoạn 2011 - 2015, TP.HCM sẽ cải tạo, xây dựng khoảng 156 chung cư cũ xuống cấp, bị hư hỏng trên địa bàn. Hiện các quận - huyện vẫn tiếp tục rà soát, đánh giá chất lượng còn lại của các công trình để bổ sung danh mục các chung cư hư hỏng nặng làm cơ sở để xây dựng kế hoạch di dời các hộ dân, tháo dỡ công trình và đầu tư xây dựng lại.
Tuy nhiên, việc xây dựng và cải tạo các chung cư xuống cấp trên địa bàn TP.HCM hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là bế tắc.
Khó khăn hiện nay theo Sở Xây dựng là chưa có nhiều nguồn vốn để hỗ trợ chương trình này với lãi suất thấp, ổn định nhằm tạo sự hấp dẫn, thu hút được các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư tham gia. Bên cạnh đó một số chung cư cũ có vị trí bất lợi, xây dựng xen cài trong các khu dân cư hiện hữu, diện tích đất nhỏ nên việc cải tạo, đầu tư xây dựng lại theo khuôn viên cũ không đạt hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư nên việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia không khả thi. Các chung cư cũ không có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như nhà giữ xe, nơi sinh hoạt cộng đồng, trường học, diện tích căn hộ thì quá nhỏ nên khi xây dựng mới theo tiêu chuẩn hiện hành thì căn hộ dôi dư không nhiều, vì vậy khi kêu gọi đầu tư không có doanh nghiệp nào tham gia do không hiệu quả kinh tế.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: