Nhiều tiệm ngành làm đẹp như: hớt tóc, làm nails, gội đầu... ngừng hoạt động, thanh lý đồ nghề vì kinh doanh ế ẩm mùa Covid - 19. Ảnh: P.X
Sáng nay 30.5, TP.HCM quyết định giãn cách xã hội trong 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 31.5. nhiều bạn trẻ đã nhanh chóng thanh lý đồ nghề, trả lại mặt bằng, chấp nhận lỗ tiền đặt cọc…
Khai trương được 1 tuần ... phải đóng cửa
Ngay sau khi TP.HCM ban bố lệnh giãn cách xã hội, Nguyễn Thùy Liễu (26 tuổi, ở Q.7, TP.HCM) tất bật thanh lý đồ nghề gội đầu, chăm sóc da mụn, tắm trắng... Dù tất cả đồ nghề này được Liễu mua sắm cách đây chỉ nửa tháng.
Liễu nói mà như khóc: "Hồi đầu tháng 4, thấy dịch Covid-19 có vẻ được kiểm soát nên mình và đứa bạn quyết định mở tiệm. Tìm được mặt bằng ưng ý, nên lo mua sắm tân trang tiệm. Tiền đầu tư gần cả trăm triệu. Riêng tiền mặt bằng đã 17 triệu đồng/ tháng. Nào ngờ khai trương được 1 tuần thì phải đóng cửa".
Tình cảnh mà Liễu đang gặp phải không phải là chuyện của riêng ai trong thời điểm giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Bởi giờ đây, lên các hội, nhóm thanh lý đồ, liên tục chứng kiến những người trẻ lũ lượt rao những tin "cần thanh lý gấp đồ nghề cắt tóc", "cần bán gấp đồ nghề làm nail", "ai mua đồ nghề spa không, cần thanh lý ngay"...
"Lúc trước mở tiệm ở quận 4. Vì lượng khách không nhiều nên đổi mặt bằng sang khu Phú Mỹ Hưng, thuê giá 30 triệu đồng/ tháng. Mình làm được tròn 16 ngày thì nay phải đóng tiệm, bán lại tất cả đồ nghề", Lý Thị Hoàng Diễm (28 tuổi, quê ở H.Chợ Gạo, Tiền Giang) cho biết.
Diễm cho biết phải đóng tiệm vì không nhìn thấy tín hiệu tích cực, không biết khi nào dịch Covid-19 mới được kiểm soát. "Trong 16 ngày được làm, khách lèo tèo vài người. Có những ngày, sáng thắp nhang cầu ông thần tài rồi... nhìn đường chứ ế ẩm, không có khách. Đến ngày 27.5, UBND TP.HCM có chỉ đạo tạm dừng các hoạt động hớt tóc, gội đầu nên mình tạm đóng tiệm. Giờ, toàn TP.HCM giãn cách xã hội 2 tuần theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng chính phủ, mình quyết định đóng luôn. Chứ không thể trụ nỗi. Càng để là càng tốn tiền mặt bằng", Diễm ta thán.
Nghề nào cũng ảm đạm điêu đứng
Từ 0 giờ ngày 28.5, thông tin UBND TP.HCM chỉ đạo không tụ tập trên 10 người nơi công cộng, hàng quán vỉa hè chỉ bán mang về đã "gieo nỗi sầu" cho những người trẻ kinh doanh quán cà phê, các tiệm ăn... Đến nay, toàn TP.HCM phải giãn cách xã hội 2 tuần, lại thêm một lần khiến họ khóc ròng.
"Những quán kinh doanh cà phê, đá bào bên mình chủ yếu bán không gian và âm nhạc cho khách. Vì thế việc bán mang đi sẽ không hiệu quả. Nên giờ đây, chỉ biết nói là rất buồn. Mấy hôm nay nghe thông tin dịch giã mà stress, muốn trầm cảm luôn", Hà Thanh Phúc (33 tuổi, ở Q.3, TP.HCM), đang là "ông chủ" của 6 quán cà phê ở Q.1, Q.3, rầu rĩ vì giãn cách xã hội.
Không những thất thu vì phải đóng cửa quán, Phúc cũng như nhiều người trẻ khác phải tốn chi phí thuê mặt bằng, tốn tiền chạy quảng cáo trước đó. "Buồn muốn khóc luôn. Trước khi dịch Covid-19 bùng trở lại, mình bỏ cả mấy chục triệu để chạy quảng cáo cho hệ thống 4 quán bún đậu mắm tôm. Ai dè...", Lê Đình Toàn (31 tuổi, ở Q.Tân Bình, TP.HCM) thở dài thườn thượt.
Trò chuyện với những người trẻ khởi sự kinh doanh, dù mỗi người kinh doanh ở mỗi lĩnh vực khác nhau như: quán ăn, hớt tóc, cho thuê nhà trọ, mở tiệm internet, dịch vụ làm đẹp... nhưng hiện tại, tất cả đều có điểm chung là "rầu ơi là rầu" vì phải giãn cách xã hội.
"Có lúc nhìn thực tế hiện tại, rồi lên Fan Page của tiệm để nhìn lại những hình ảnh thời gian trước mà buồn ơi là buồn. Lúc trước, khách đông nườm nợp. Có khi khách đến phải đợi cả tiếng đồng hồ mới hớt tóc được. Cả 5 người thợ phải hoạt động liên tục không được nghỉ ngơi. Còn giờ thì tiệm tạm đóng rồi. Mà có khi mình đóng hẳn nếu Covid-19 vẫn cứ diễn biến phức tạp như giãn cách xã hội hiện nay", Nguyễn Thành Danh (36 tuổi, chủ tiệm hớt tóc trên đường số 3, Q.Bình Tân, TP.HCM), kể.
Anh Trần Quốc Tiến (34 tuổi, ở Q.1, TP.HCM) là chuyên gia chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội cũng than thở: "Có những tháng thu nhập lên đến 45, 50 triệu đồng vì nhận hợp đồng chạy quảng cáo cho rất nhiều spa, quán ăn, quán cà phê... Nhưng giờ dịch giã thế này, quán xá phải đóng cửa, nên họ không chạy quảng cáo nữa, vì có quảng cáo cũng vô nghĩa. Thế là bao nhiêu hợp đồng bị hủy hết, phải hoàn lại tiền cho khách. Nói chung là từ thu nhập mỗi tháng mấy chục triệu giờ phải... xin tiền gia đình để sống trong những ngày giãn cách xã hội".
Cần phải nói thêm, mặc dù khá bi quan với việc kinh doanh, nhưng hầu hết người trẻ đều chia sẻ sẽ nghiêm chỉnh tuân thủ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, bắt từ từ 0 giờ ngày 31.5. "Vì lúc này rất cần sự chung sức của mọi người dân. Nên mình phải hợp tác và chấp hành nghiêm các yêu cầu của chính quyền để cùng chống dịch, đẩy lùi địch", Trương Thị Thế (28 tuổi, chủ tiệm Spa trên đường Bình Long, Q.Bình Tân, TP.HCM), cho biết.
Ngoài ra, những "ông chủ, bà chủ" trẻ cũng mong mỏi và kỳ vọng không lâu nữa, dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát, gỡ bỏ giãn cách xã hội không có những ca nhiễm mới, để cuộc sống trở về trạng thái bình thường. Qua đó việc kinh doanh có thể khởi sắc trở lại.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: