Đây là một công trình kiến trúc ra đời từ cuối thế kỷ 19, do một kiến trúc sư người Pháp mang tên Bourard thiết kế và kiến trúc sư Foulhoux trông coi việc xây dựng từ năm 1881 đến năm 1885 thì khánh thành.
Kết hợp văn hóa Đông Tây
Từ Dinh Thống Nhất, xuôi theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, qua đường Nguyễn Du, chúng ta sẽ gặp một dinh thự, một công sở tuyệt đẹp. Đó là tòa nhà mang số 131 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tọa lạc trên khu đất rộng lớn, được bao quanh bởi bốn con đường: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du, Nguyễn Trung Trực và Lý Tự Trọng.
Đây là một công trình kiến trúc ra đời từ cuối thế kỷ 19, do một kiến trúc sư người Pháp mang tên Bourard thiết kế và kiến trúc sư Foulhoux trông coi việc xây dựng từ năm 1881 đến năm 1885 thì khánh thành. Tòa nhà lúc đầu được xây dựng theo hình chữ H, gồm 2 tầng và một tầng hầm. Mỗi tầng với chiều cao 5,2m để đón nhận những luồng gió từ không gian thoáng đãng quanh khuôn viên, lùa vào các hành lang để dẫn vào phòng làm việc. Tòa nhà này là sự kết hợp giữa kiến trúc châu Âu và kiến trúc La Mã, văn hoá Phương Tây và Phương Đông mang nhiều ý nghĩa. Nổi bật nhất là bức tượng và phù điêu trên tiền sảnh dưới mái cao nhất của tòa nhà. Tượng thần Công lý tay phải cầm kiếm, tay trái để lên cuốn sách ghi chữ CODE (bộ luật). Tượng hai người Việt Nam ngồi hai bên: người phụ nữ tóc búi cao, tay cầm nón, người đàn ông đội khăn với nét mặt nghiêm trang chăm chú. Phải chăng tác giả muốn nói: việc xét xử phải có nhân dân tham gia.
Tòa nhà trụ sở TAND Tp Hồ Chí Minh
Từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nhìn vào là 4 cụm vườn hoa ở hai bên sân rộng. Đi thẳng vào cửa chính của tòa nhà là gian sảnh lớn ngăn cách giữa hai phòng xét xử. Hai bức tượng được bố trí hai bên chân cầu thang dẫn lên tầng hai. Bên phải là tượng nữ thần Công lý, bên trái là tượng nữ thần Đoàn kết. Ngoài những bức tượng, trên tường và trần nhà còn rất nhiều bức phù điêu và những hoa văn trang trí tuyệt đẹp. Bên trong phòng xét xử được thiết kế uy nghi và trang nghiêm, tạo nên một không gian có thể khuất phục những tên tội phạm nguy hiểm và công lý đã buộc họ phải cúi đầu nhận tội. Hai bên, vươn về phía trước là những dãy phòng làm việc thông thoáng, kéo dài về phía sau. Tầng một, tường của dãy hành lang được gắn những cửa sổ cao, uốn cong phía trên và trên tầng hai là những đôi cột tròn nâng đỡ mái ngói như một sự bảo vệ vững chắc của pháp luật trước những hành vi nguy hại cho xã hội. Người Pháp đã xây dựng tòa nhà này làm công sở cho cơ quan xét xử. Hơn 120 năm qua, chính quyền của mỗi chế độ đều sử dụng đúng mục đích xây dựng ban đầu. Không bằng bê tông cốt thép nhưng tòa nhà cho chúng ta một sự chắc chắn đến tuyệt vời.
Di tích cấp quốc gia xuống cấp trầm trọng
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, cũng như hiện nay, tòa nhà này được bố trí cho 4 cơ quan, đó là TAND Tp. Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố làm việc tại tầng một, Tòa Phúc thẩm TAND tại Tp. Hồ Chí Minh và Viện kiểm sát xét xử và thực hành quyền công tố III làm việc trên tầng hai. Lãnh đạo, cán bộ của bốn cơ quan đang làm việc trong Dinh thự này luôn tự hào và biết ơn các kiến trúc sư đã thiết kế, xây dựng nó, để lại cho nhân dân thành phố một tuyệt tác về kiến trúc mà khó có nơi nào trên đất nước này có được.
Đặc biệt, mới đây trụ sở TAND Tp. Hồ Chí Minh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia cần được bảo tồn. Tuy nhiên hiện nay di tích đang xuống cấp trầm trọng. Đã nhiều lần, vì chật chội, mỗi đơn vị đều đề nghị xây thêm một số phòng trên khoảng đất trống, bên cạnh tòa nhà, nhưng không được sự đồng ý. Lý do là những công trình phụ này sẽ phá vỡ sự hài hòa của khối kiến trúc hiện có, ảnh hưởng đến tổng quan kiến trúc của cụm dinh thự gần đó (Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Cách mạng...). Để có chỗ làm việc, các cơ quan bắt đầu cơi nới, tận dụng cả hành lang tòa nhà. Một số phòng tạm bợ, thậm chí là nhà tôn lắp ghép đã mọc lên, tạo ra sự lộn xộn, thiếu thẩm mỹ. Đáng lo hơn là hiện nay nhiều hoa văn trang trí bị bong tróc, trên tường rêu mốc phủ đen, đôi chỗ lại chồi lên một vài cây xanh. Tại gian sảnh lớn, các mảng vôi trên trần đã mục, có thể rơi bất cứ lúc nào. Hệ thống thoát nước không còn vận hành tốt, gây nên hiện tượng thấm dột. Nhiều du khách nước ngoài đến thăm rất thán phục kiểu kiến trúc của tòa nhà. Tuy nhiên, họ cũng buồn trước thực trạng xuống cấp của nó.
Năm 1998, UBND Tp. Hồ Chí Minh giao cho Viện Quy hoạch nghiên cứu phương án cải tạo, mở rộng công trình kiến trúc này. Năm 1999, Công ty Tư vấn Kiến trúc xây dựng, theo hợp đồng với các cơ quan chủ quản tòa nhà, cũng tham gia khảo sát hiện trạng và lập phương hướng cải tạo mặt bằng. Theo ý kiến của các kiến trúc sư, giải pháp tốt nhất là di dời bớt một số cơ quan sang chỗ khác. Tuy nhiên đến nay tòa nhà này vẫn là nơi làm việc của 4 cơ quan.
Trước thực trạng xuống cấp của di tích, TAND Tp. Hồ Chí Minh đã tiến hành lập Dự án trùng tu trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau khi xem xét, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép sửa chữa nhưng phải bảo tồn tối đa các mảng tường có trang trí hoa văn, chỉ trát lại các mảng tường đã hư hỏng vữa. Có biện pháp bảo vệ ngói lợp mái và cấu kiện gỗ trong quá trình hạ giải. Sau khi hạ giải phải thành lập hội đồng đánh giá, phân loại để tái sử dụng các cấu kiện gỗ ở vì kèo mái, ngói lợp mái và máng nước còn khả năng sử dụng, không thay mới toàn bộ.
Ông Bùi Hoàng Danh, Chánh án TAND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, TAND Tp. Hồ Chí Minh là một trong những cơ quan hành chính ở thành phố còn giữ được nét kiến trúc cổ của Pháp. Đây là di tích lịch sử quí báu, là nơi để du khách và bạn bè các nước đến tham quan và cũng chính là bộ mặt đại diện cho hệ thống pháp luật Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, của Nhà nước Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, hiện nay tòa nhà đã xuống cấp trầm trọng nhưng chưa được trùng tu sửa chữa kịp thời. Ông Danh than thở, kế hoạch và kinh phí trùng tu đều có sẵn, vấn đề là các cơ quan cùng làm việc trong tòa nhà này chưa có nơi di dời nên việc trùng tu chưa biết khi nào mới có thể tiến hành được.