Liên quan đến thông tin VCCI công bố kết quả cuộc bình chọn những quy định pháp luật tốt và chưa tốt năm 2016, trong đó lĩnh vực BĐS chiếm 8/30 quy định pháp luật được bình chọn tốt, nhiều chuyên gia cho rằng, kết quả thể hiện vai trò sát sao của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, cụ thể là Bộ Xây dựng và các tổ chức chính trị xã hội liên quan, hướng tới mục tiêu kiến tạo, phục vụ mà Chính phủ đã đề ra và đang quyết liệt thực hiện.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đậu Anh Tuấn đánh giá, kết quả trên là tín hiệu tích cực của những nỗ lực thay đổi quy định pháp luật trong ngành Xây dựng. “Các DN đánh giá cao những hoạt động thay đổi các quy định pháp luật trong thời gian vừa qua của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Xây dựng theo hướng cởi mở hơn, thị trường hơn và tự do hơn. Đáng chú ý là có đến 7/8 đề cử pháp luật tốt trong lĩnh vực BĐS này đến từ quy định Luật là Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở và Luật Đất đai. Điều này thể hiện sự thay đổi khá cơ bản về khung pháp lý cho các DN”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, những quy định được đánh giá tốt trong lĩnh vực BĐS không chỉ có tác động tích cực đối với hoạt động của DN, người dân mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS thời gian vừa qua, thu hút thêm đầu tư nước ngoài và kể cả những tác động với an sinh xã hội như tăng diện tiếp cận nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nếu quan sát thì nhiều quy định được đánh giá tốt vốn là bãi bỏ hay nới rộng những điều kiện khắt khe trước đây như bãi bỏ quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải bán nhà, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch BĐS; miễn giấy phép xây dựng cho công trình nhỏ thuộc dự án phát triển đô thị, dự án nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 được Nhà nước phê duyệt; cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở hay cho phép DN có vốn đầu tư nước ngoài mua, thuê, thuê mua nhà, công trình xây dựng làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh; nới thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50 năm… Vì vậy, ông Tuấn cho rằng cần có nhiều hơn nữa những sáng kiến chính sách mới tạo thuận lợi cho DN và người dân.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, cuộc bình chọn này hướng đến bốn mục tiêu cơ bản. Thứ nhất, phát hiện các quy định pháp luật tốt, qua đó cổ vũ, biểu dương các cơ quan đã soạn thảo những văn bản tạo thuận lợi cho DN, cho người dân trong việc được trao quyền và tiếp cận các cơ hội về đầu tư, việc làm, thu nhập, tham gia các ngành nghề kinh doanh.
Thứ hai, nhận diện các quy định của pháp luật mà các DN đánh giá là phiền hà, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cạnh tranh, từ đó đánh động với các cơ quan soạn thảo liên quan, gợi ý các giải pháp cải thiện, điều chỉnh cho các cơ quan này.
Thứ ba, thông qua việc bình chọn các quy định tốt nhất và kém nhất, khuyến cáo các Bộ, ngành thận trọng hơn trong việc thiết kế, xây dựng các quy định pháp luật và thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi các tiêu chí đánh giá chất lượng văn bản pháp luật trong các cơ quan soạn thảo, ban hành cũng như cộng đồng.
Thứ tư, tạo cơ hội và thúc đẩy các DN, các hiệp hội DN cũng như cộng đồng nhận thức đầy đủ hơn và tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng, sửa đổi các quy định pháp luật và lên tiếng về chất lượng các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động kinh doanh.
"Trên cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, VCCI sẽ có kế hoạch cụ thể trong thời gian tới. Nhưng cá nhân tôi tin rằng nếu tổ chức cuộc bình chọn này thường niên sẽ có tác động rất tích cực đối với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam" - ông Tuấn khẳng định.
Trước đó, phát biểu tại buổi lễ công bố kết quả bình chọn hôm 28/02, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhắc tới sự kiện giải Oscar và cho rằng sự kiện bình chọn này có thể coi là lễ công bố “Oscar cho các quy định pháp luật”.
Trao đổi với phóng viên về kết quả bình chọn này, GS Đặng Hùng cũng cho rằng các DN bình chọn rất chính xác, đúng, tốt và chỉ ra được những điểm đổi mới quan trọng của Luật Kinh doanh BĐS 2014 và Luật Nhà ở 2014 trong quá trình hình thành đưa ra những chính sách mới mở rộng hơn những chính sách cũ rất nhiều. “Chúng ta đã bỏ qua được nhiều yếu tố nặng nề trong quản lý để mở rộng thị trường, mở rộng phạm vi họat động của DN. Tôi cho rằng, kết quả bình chọn của DN là hoàn toàn đúng bởi vì đúng là Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở vừa rồi đã “thoát” được khá nhiều những quy định cũ mang tính can thiệp hành chính vào thị trường”, ông Võ nói.
8 quy định tốt nhất thuộc lĩnh vực BĐS được bình chọn - Bỏ quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải bán nhà, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch BĐS” trong Luật Kinh doanh BĐS. - Điều kiện kinh doanh BĐS có vốn pháp định được chứng minh bằng vốn điều lệ. Điều 3 - 5, Nghị định 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS. - Mở rộng cho phép người nước ngoài quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam. Điều 161.2.a, Luật Nhà ở 2014. - Điều 11.3(a) Luật Kinh doanh BĐS. Cho phép DN có vốn đầu tư nước ngoài mua, thuê, thuê mua nhà, công trình xây dựng làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh. - Luật Nhà ở 2014 mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, người thu nhập thấp được hỗ trợ mua nhà ở xã hội. - Điều 54-59, Luật Kinh doanh BĐS 2014 mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư dự án được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai. - Điểm e, khoản 1, Điều 89, Luật Xây dựng 2014 miễn giấy phép xây dựng nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. - Điều 126 và 127, Luật Đất đai 2013 nâng thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50 năm. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: