Tìm lời giải cho vật liệu xây dựng mới

Các chất thải công nghiệp như tro, xỉ, thạch cao là một tài nguyên, một loại "lương khô" của ngành xây dựng nếu doanh nghiệp biết sử dụng hợp lý.

Các chất thải công nghiệp như tro, xỉ, thạch cao là một tài nguyên, một loại "lương khô" của ngành xây dựng nếu doanh nghiệp biết sử dụng hợp lý.
Gạch làm từ tro bay có thể thay thế gạch truyền thống
Tài nguyên bị bỏ quên
Việt Nam hiện có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất 13.110 MW. Hàng năm, các nhà máy nhiệt điện này thải ra một khối lượng tro xỉ khoảng 15,8 triệu tấn. Tổng lượng tro, xỉ, thạch cao đang tồn tại các bãi chứa lũy kế đến nay là khoảng hơn 20 triệu tấn.
Theo tính toán của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), một nhà máy nhiệt điện công suất 1.200 MW vận hành trong 5 năm cần 30 ha để chôn lấp 5 triệu tấn tro xỉ. Trong đó, riêng 2 nhà máy nhiệt điện than là Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3 (đồng bằng Sông Cửu Long), phải dành ra 31 ha đất cho bãi chôn lấp và chỉ trong 2,5 năm sẽ chứa đầy bãi thải nếu không có giải pháp xử lý.
Với công suất của các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2020, cần đến 360 ha đất để xử lý chất thải và đến năm 2030, phải cần đến hàng ngàn héc-ta đất. Còn với cả nước, để có thể chứa hết phế thải do các nhà máy nhiệt điện than thải ra, theo quy hoạch cần khoảng 600.000 ha, tức là 4 năm thì mất diện tích của một xã trung bình. Nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa là một thực tế đang hiện hữu.
Phát biểu tại Hội nghị Vật liệu Xây dựng toàn quốc 2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lo ngại: “Thực tế cho thấy, nhiều nơi vẫn phát triển vật liệu nung khiến nhiều nhà máy sản xuất vật liệu từ tro, xỉ có nguy cơ đóng cửa. Các nhà máy nhiệt điện cũng bị ảnh hưởng do không còn chỗ chứa chất thải”.
Tro bay giúp tăng cường độ bê tông lên từ 1,5 – 2 lần
Không chỉ gây nguy hại cho môi trường, chi phí chôn lấp tro, xỉ cũng tạo nên sự lãng phí lớn. Hiện nay, chi phí tiền sử dụng đất và chi phí làm bãi chôn lấp bao gồm bờ bao, san ủi… ước khoảng 1 triệu đồng/m2; chi phí xử lý tro, xỉ, vận hành bãi chôn lấp khoảng 120.000 đồng/tấn chất thải. Như vậy, với lượng thải như trên, chi phí cho việc này tốn cả nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Lời giải đến từ vùng nóng
Ước tính, ở Việt Nam, lượng tro, xỉ được sử dụng làm vật liệu xây dựng mới chỉ đạt khoảng 10%, còn lại là chôn lấp, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia khác đạt khoảng 80 - 90%.
Chia sẻ với phóng viên Baos Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Hải Hà, Trưởng ban Kỹ thuật sản xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: “Theo tôi, trong số các giải pháp thúc đẩy sử dụng vật liệu mới thay thế, Bộ Xây dựng cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn hướng dẫn, định mức kinh tế kỹ thuật quy định việc xử lý, sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, sử dụng trong các công trình xây dựng, giao thông san lấp mặt bằng. Có quy định bắt buộc các dự án xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải sử dụng các sản phẩm tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao như gạch không nung, xi măng…”.
Ở nhiều quốc gia, tỷ lệ sử dụng tro, xỉ có thể đạt khoảng 80 - 90%
Đặc biệt, theo ông Hà, cần tăng cường tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu đúng về các loại vật liệu này, coi nó như là các vật liệu thông thường, đủ tiêu chuẩn, an toàn, tránh tâm lý nghĩ rằng đó là các loại vật liệu độc hại, dẫn đến tâm lý e ngại khi sử dụng.
Trong các khu vực có nhiều áp lực về xử lý tro, xỉ từ các nhà máy điện, đồng bằng Sông Cửu Long là một điểm nóng. Trong khi đó, theo Bộ Giao thông - Vận tải, hiện khu vực này đang triển khai nhiều dự án trọng điểm kết nối giao thông liên vùng với 26 dự án được đầu tư, tổng vốn khoảng 88.910 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 27 dự án quan trọng cấp bách dự kiến triển khai giai đoạn 2017 - 2020 với tổng kinh phí khoảng 67.000 tỷ đồng.
Theo kết quả thẩm định và đánh giá kết quả đầu tư xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng của một số công trình công cộng và giao thông tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long cao hơn nhiều so với suất vốn đầu tư bình quân của cả nước do địa thế vùng có nhiều kênh rạch, địa chất phức tạp, nền đất rất yếu, nên để triển khai xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn phải tăng thêm nhiều chi phí để xử lý. Trong khi đó, nguồn vật liệu xây dựng khan hiếm, không có sẵn để khai thác tại chỗ, mà phải vận chuyển chủ yếu bằng đường thủy từ các vùng khác đến nên chi phí đầu tư là rất lớn.
Do đó, việc nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng công trình bằng cách giảm chi phí vật liệu xây dựng khoảng 3 - 5%, góp phần tiết kiệm cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng là nằm trong tầm tay nếu tận dụng tốt nguồn tro, xỉ đang dồn ứ tại các nhà máy điện.
Và từ thực tiễn triển khai
Đại diện Công ty cổ phần Gạch Khang Minh cho biết, đơn vị này đã khắc phục được nhiều hạn chế của loại gạch xi măng cốt liệu khi sử dụng xỉ của các nhà máy nhiệt điện trong phối trộn nguyên vật liệu, làm tăng khả năng điền đầy các khe rỗng trong cốt liệu sản phẩm, giúp cho gạch xi măng cốt liệu có khả năng chống thấm tốt hơn rất nhiều so với sản phẩm cũ.
Ngoài ra, đơn vị này còn sử dụng công nghệ sản xuất ướt, thay thế công nghệ rung ép thuỷ lực, sản xuất khô tốn nhiều xi măng. Việc trộn ướt nguyên liệu giúp xi măng thuỷ hoá tốt, tăng khả năng chống thấm và tiết kiệm xi măng (hơn 2%) so với công nghệ sản xuất thông thường.
Còn với sản phẩm cát nhân tạo, ông Vũ Đình Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần Thiên Nam cho biết, sau khi khảo sát, nghiên cứu chất thải rắn tại bãi thải Đông Cao Sơn của Công ty cổ phần Than Cọc Sáu, với lượng chất thải rắn hàng năm vào khoảng từ 32 - 36 triệu m3, trong đó tỷ lệ đá kết đạt khoảng 35%, đơn vị này đã đầu tư công nghệ và lập dự án thu hồi, tái chế, chế biến chất thải rắn từ đá kết thành cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa. Hiện nay, mỗi năm Thiên Nam cung cấp ra thị trường 1.890.000 m3 cát nhân tạo.
Theo ông Kiên, công đoạn nghiền cát và rửa cát quyết định lớn đến chất lượng cát nghiền do va chạm ở tốc độ cao làm các hạt đá trong máy nghiền vỡ ra tròn đều. Đặc tính này giúp bê tông có cường độ cao, tăng độ bền.
Còn theo ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT CTCP Sông Đà Cao Cường, để khuyến khích vật liệu không nung phát triển, ngoài việc chính thức hóa việc sử dụng vật liệu không nung bằng các quy phạm pháp luật, cần giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% đối với gạch không nung, tăng từ 10% lên 20% với gạch đỏ. Tăng thuế đất làm gạch nung từ 13% lên 25% (tương đương các nước trong khu vực).
Đặc biệt, cần có biện pháp quản lý, tránh trường hợp chủ lò gạch bán gạch cho tư nhân không xuất hóa đơn, trốn thuế đất, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, bởi dù đây là các cơ sở nhỏ lẻ nhưng lại chiếm số lượng rất đông đảo.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ
X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 - 0915.511.577

CHAT VỚI

Chát 24/24