Bước sang quý II/2016, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu xi măng (XM) vẫn tiếp tục tăng mặc dù giá bán XM không tăng… Nhưng với các doanh nghiệp XM không tồn kho đã là may mắn, dẫu để đạt con số đẹp như trên, các doanh nghiệp phải thực hiện hàng loạt chiến lược tiêu thụ từ khâu sản xuất đến tận người tiêu dùng, tận chân công trình…
BĐS ấm lên là nguyên nhân khiến tiêu thụ XM tăng cao.
Tiêu thụ tăng cao
Ngành Xây dựng tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng trong những tháng đầu năm 2016, thị trường BĐS tiếp tục ấm lên với hàng loạt các dự án được khởi công, hoàn thiện… đã trở thành tiền đề giúp doanh nghiệp XM tiêu thụ tốt XM.
Theo ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng, tháng 4 vừa qua, tiêu thụ XM trong nước và xuất khẩu tiếp tục tăng. Ước sản phẩm tiêu thụ toàn ngành tháng 4/2016 là 7,57 triệu tấn bằng 108,3% so với tháng 3/2016; tăng 16,5% so với tháng 4/2015, đưa lượng tiêu thụ 4 tháng đầu năm 2016 lên 24 triệu tấn, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2015, đạt 31,58% kế hoạch năm 2016.
Tiêu thụ trong nước tháng 4 năm 2016 là 6,07 triệu tấn bằng 110,6% so với tháng 3/2016, tăng 17,4% so với tháng 4/2015; trong đó, Vicem tiêu thụ tháng 4/2016 ước đạt 2,40 triệu tấn bằng 91,3% so với tháng 3/2016, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Con số tiêu thụ XM trong nước 4 tháng đầu năm 2016 rất khả quan. Cả nước ước tiêu thụ hết 18,85 triệu tấn, bằng 117,4% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, Vicem tiêu thụ 4 tháng đầu năm 2016 ước là 7,52 triệu tấn, bằng 131,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong tháng 4, xuất khẩu XM vẫn giữ nhịp không tăng so với tháng 3/2016 (1,50 triệu tấn bằng 100% so với tháng 3/2016) nhưng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2015, đưa tổng lượng xuất khẩu XM 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 5,15 triệu tấn, bằng 108,4% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, Vicem xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,06 triệu tấn.
Giá nguyên liệu tăng nhưng giá bán XM ổn định
Trong khi các ngành hàng khác đua nhau tăng giá thì XM được coi là mặt hàng có giá bán ổn định nhất. Kể từ đợt tăng giá cuối năm 2014 với mức tăng 50.000 đ/tấn XM, thì đến nay đã gần 2 năm giá bán các chủng loại XM cơ bản ổn định, giữ giá.
Theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung, giá bán lẻ XM hiện phổ biến từ 1.050.000 - 1.550.000 đ/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.460.000 - 1.850.000 đ/tấn. Giá bán tại nhà máy của các Cty XM thuộc TCty Công nghiệp XM Việt Nam như sau: PCB30 của VICEM Hoàng Thạch, VICEM Hải Phòng, Bút Sơn, Bỉm Sơn là 1.270.000đ/tấn; PCB30 của VICEM Tam Điệp là 1.170.000 đ/tấn; trong khi giá bán PCB 30 của VICEM Hà Tiên 1 là 1.705.000 đ/tấn…
Giá bán lẻ PBC 30 của Vicem Hoàng Thạch tại Hà Nội là 1.430.000 đ/tấn; Vicem Bút Sơn là 1.370.000 đ/tấn; PCB 30 của XM Phúc Sơn là 1.270.000 đ/tấn, trong khi giá bán cùng loại của XM Duyên Hà là 1.050.000 đ/tấn. Giá bán PCB 40 của Vicem Tam Điệp là 1.320.000 đ/tấn; Vicem Bút Sơn là 1.400.000 đ/tấn; PCB 40 của XM Duyên Hà là 1.130.000 đ/tấn. XM đặc dụng xây trát MC 25 của Vicem Hoàng Thạch được bán với giá 1.020.000 đ/tấn, MC 25 của Vicem Bút Sơn là 1.000.000 đ/tấn.
Được biết, giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất XM, đặc biệt là điện, than… tiếp tục tăng cao nhưng các doanh nghiệp XM phải thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất để ổn định, không tăng giá bán XM trên thị trường.