Việc xin lỗi dân, chấn chỉnh cán bộ rất đáng ghi nhận nhưng gốc rễ vấn đề là thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính phải thật tốt.
Muốn người dân hết phàn nàn thì thủ tục hành chính phải thực hiện trôi chảy. Mà muốn vậy, ngay từ ban đầu khâu ban hành thủ tục phải chặt chẽ, chất lượng và luôn công khai,p minh bạch trong giải quyết” - bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau bài viết “Bị thủ tục hành chính “hành”: Cứ báo Sở Tư pháp!” (số ngày 3-5).
Cấp giấy chứng nhận bị phản ánh nhiều nhất
. Theo đánh giá của bà, những phản ánh của người dân đến Sở Tư pháp về vướng mắc, khó khăn trong thủ tục hành chính có chính xác hay không?
+ Bà Phan Thị Bình Thuận: Theo Quyết định 26/2014 của UBND TP về quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính tại TP, cá nhân, tổ chức phải trình bày rõ nội dung phản ánh kiến nghị, thông báo tên họ, địa chỉ, số điện thoại liên lạc. Theo đánh giá, đa số phản ánh của người dân là có cơ sở.
. Lĩnh vực nào, thủ tục hành chính nào được người dân phản ánh nhiều nhất trong thời gian qua, thưa bà? Bà có thể lý giải nguyên nhân?
+ Đất đai vẫn là mảng người dân phản ánh nhiều nhất, cụ thể là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở.
Trước đây, cấp giấy chứng nhận là thủ tục được phản ánh nhiều nhất do hồ sơ giải quyết trễ hẹn, thái độ của cán bộ tiếp nhận hoặc cán bộ thụ lý hồ sơ chưa tốt, bị yêu cầu bổ sung các giấy tờ ngoài quy định hoặc nhiều lần... Thời gian gần đây, sau khi thành lập văn phòng đăng ký đất đai một cấp, việc cấp giấy dồn về đầu mối ở Sở TN&MT thì tình trạng trễ hẹn tăng lên nên phản ánh của người dân càng nhiều hơn.
Phản ánh tại chỗ không được, dân thường báo Sở
. Việc TP giao cho Sở Tư pháp làm đầu mối tiếp nhận, xử lý các phản ánh của người dân về quy định hành chính ở mọi lĩnh vực liệu có gây ra tình trạng “thắt cổ chai” không? Công việc này tại Sở có đảm bảo thực hiện đúng thời hạn?
+ TP hiện có khoảng 2.100 thủ tục hành chính và hàng trăm đơn vị có thực hiện thủ tục hành chính, Sở Tư pháp là một kênh để kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính của các đơn vị trên toàn TP thông qua phản ánh của cá nhân, tổ chức.
Công khai, minh bạch và phản hồi kịp thời về các thủ tục hành chính sẽ giảm khiếu nại và phản ánh của người dân. Ảnh: HTD
Tuy nhiên, Sở không phải là kênh duy nhất để tiếp nhận phản ánh của người dân. Các đơn vị có thực hiện thủ tục hành chính đều phải có số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh trực tiếp. Rồi công tác tiếp dân của lãnh đạo đơn vị, hoặc người dân có quyền khiếu nại, tố cáo về quyết định hành chính, hành vi hành chính, hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của mình…
Thời gian vừa qua, số lượng phản ánh, kiến nghị của người dân gửi đến Sở Tư pháp tăng lên nhiều nên đôi khi cũng quá tải. Nhưng Sở vẫn đảm bảo xử lý công việc đúng thời hạn quy định.
. Đã có nhiều kênh tiếp nhận, giải quyết phản ánh của người dân tại đơn vị thực hiện thủ tục hành chính nhưng TP vẫn lập thêm kênh tại Sở (và nhiều người cho hay họ rất mừng vì có thêm kênh này). Bà có thể lý giải tại sao?
+ Có nhiều lý do để TP giao cho Sở Tư pháp nhiệm vụ làm đầu mối tiếp nhận phản ánh về quy định hành chính. Không phải Sở chỉ làm nhiệm vụ nhận, chuyển phản ánh của người dân mà thông qua đó Sở tổng hợp, đánh giá tình hình giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn TP, chẳng hạn mảng nào đang nổi cộm, nguyên nhân vì sao, vướng mắc gì… để báo cáo, kiến nghị TP có những giải pháp giải quyết.
Việc Sở Tư pháp tiếp nhận, chuyển phản ánh từ người dân đến các đơn vị, sau đó lãnh đạo các đơn vị này phải kiểm tra, rà soát làm rõ cũng giúp người đứng đầu cơ quan, đơn vị nắm thêm về quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại đơn vị mình để chấn chỉnh. Nếu lỗi chủ quan do nhân viên thì xử lý cán bộ, còn quy trình hay pháp lý có vướng mắc, chưa hợp lý thì điều chỉnh hoặc kiến nghị…
Còn vì sao người dân gọi Sở Tư pháp để phản ánh? Sở đóng vai trò là một cơ quan độc lập trong nội dung phản ánh nên mang tính khách quan. Cũng có một số trường hợp cho biết họ đã phản ánh trực tiếp tại đơn vị nhưng vẫn không được giải quyết thấu đáo nên phải phản ánh đến Sở.
Xin lỗi dân, xử lý cán bộ vẫn chưa đủ
. Qua ghi nhận, các đơn vị được phản ánh về thủ tục hành chính có những động thái tích cực như xin lỗi người dân, có biện pháp chấn chỉnh… Đó có phải là hiệu quả lớn nhất của việc kiểm soát thủ tục hành chính?
+ Việc xin lỗi dân, chấn chỉnh cán bộ cũng rất đáng ghi nhận nhưng gốc rễ vấn đề là thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính phải thật tốt.
Kiểm soát thủ tục hành chính không phải là một khái niệm mới mẻ nhưng không phải ai, nơi nào cũng hiểu đúng. Hiểu đúng khái niệm về kiểm soát thủ tục hành chính thì từ khâu ban hành thủ tục hành chính đã phải thực hiện chặt chẽ. Có thủ tục hành chính rồi thì tính đến câu chuyện niêm yết công khai như thế nào để người dân nắm được mà thực hiện, giám sát. Sau đó là đến việc giải quyết các thủ tục hành chính như thế nào, có minh bạch và thuận lợi cho người dân hay không.
Mục tiêu lớn nhất của kiểm soát thủ tục hành chính là đảm bảo cải cách thủ tục hành chính hiệu quả nhất, tức làm sao để thủ tục hành chính ngày càng đơn giản, dễ thực hiện, ít tốn kém, trả kết quả đúng hẹn. Do vậy tôi cho rằng việc tiếp thu góp ý của người dân, có những động thái tích cực như xin lỗi người dân, có biện pháp chấn chỉnh cũng là một trong những biểu hiện rõ nét về hiệu quả của công tác kiểm soát thủ tục hành chính.
. Theo bà, trong việc kiểm soát thủ tục hành chính, yếu tố nào quan trọng nhất giúp người dân được thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính, giảm tình trạng phản ánh, khiếu nại?
+ Như trên tôi có nói, kiểm soát thủ tục hành chính là cả một quá trình kiểm soát từ khâu ban hành văn bản quy định cho đến việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính và kiến nghị sửa đổi quy định cho phù hợp. Mỗi khâu đều quan trọng và để có hiệu quả thì phải thực hiện đồng bộ tất cả khâu.
Trong đó để giúp người dân được thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính, tôi cho rằng khâu quan trọng nhất chính là tổ chức thực hiện thủ tục hành chính và yếu tố quan trọng nhất là phải minh bạch, công khai và phản hồi kịp thời. Công khai về quy định, minh bạch về tiến độ giải quyết hồ sơ, kịp thời phản hồi kiến nghị của dân và kịp thời chấn chỉnh các sai phạm của cán bộ, công chức.
Khi cơ quan nhà nước làm tốt việc công khai thủ tục cho dân biết, hướng dẫn cụ thể để dân làm và giải quyết hồ sơ đúng hẹn cho dân thì chắc chắn tình trạng phản ánh, khiếu nại sẽ giảm.
. Xin cám ơn bà.