Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam vừa cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) đang trên đà hồi phục chứ không còn là dấu hiệu phục hồi như nhiều người nói. Dẫn chứng cho nhận định của mình, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết: Thị trường chính là cái chợ, nó phải có mua – bán. Nhiều dấu hiệu quan trọng cho thấy thị trường BĐS phục hồi.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam
Đó là, thứ nhất, lượng giao dịch thành công tăng trưởng liên tục từ đầu năm 2013 đến nay, đặc biệt là sang năm 2014, cập nhật số liệu báo cáo chính thức thông qua các sàn BĐS, tới tháng 11/2014, tại Hà Nội có gần 10.000 giao dịch, tương đương 200% so với 11 tháng của năm 2013. Còn tại TP HCM, 11 tháng qua cũng có khoảng 8.850 giao dịch thành công, tương đương tăng 35% so với cùng kỳ năm 2013.
“Số liệu từ hai thành phố lớn có tính chất dẫn dắt thị trường này đều có mức tăng trưởng gấp 2 hoặc gấp 1,5 lần so cùng kỳ năm trước, cho thấy rõ sự hồi phục của thị trường”- ông Nam nhấn mạnh.
Trên thực tế thị trường, có nhiều biểu hiện khác nữa, theo ông Nguyễn Trần Nam, các doanh nghiệp bắt đầu khởi động lại triển khai dự án, tiếp thị bán hàng, khởi công và bàn giao dự án liên tục thực hiện. Đáng chú ý, tại một dự án mới bàn giao mà Thứ trưởng tham dự hôm Chủ Nhật vừa qua cho thấy, “với 4 khối nhà, khoảng 2.000 căn hộ đã bán được trên 1.000 căn hộ. Với lượng tiêu thụ này, chủ đầu tư phấn khởi vì đã hoà vốn, số còn lại sẽ bán nốt là phần lợi nhuận. Đây là dấu hiệu rất tốt”.
Đồng thời, Thứ trưởng còn cho biết, “các giao dịch thành công chủ yếu trong phân khúc có căn hộ vừa và nhỏ. Điều này chứng minh định hướng của Chính phủ và giải pháp Chính phủ đưa ra là đúng, mặc dù ban đầu thực hiện giải pháp này, có ý kiến cho rằng sẽ quá tải hạ tầng, hình thành các khu ổ chuột trên cao... Rõ ràng, cái gì mới đưa ra cũng gặp trắc trở, có cả sự chống đối. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của giải pháp và nó đang dẫn dắt thị trường”.
Điểm thứ hai chứng minh sự đang hồi phục của thị trường, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, đó là “giao dịch tăng nhưng giá cơ bản ổn định, không tăng, cá vẫn có một số khu vực giá giảm, chỉ cá biệt có một số dự án tại khu vực vị trí đắc địa thì giá có nhích lên chút. Chứng tỏ giá cả tương đối phù hợp với sức mua của người dân, phù hợp với thị trường”.
Còn thực tế sức mua còn đang yếu, theo Thứ trưởng Nam, “đó là do lương của chúng ta còn quá thấp. Giá nhà ở tại Việt Nam không có tên trong tốp 20 quốc gia có giá nhà ở cao nhất thế giới. Trong khi đó, tại Đông Nam Á còn có Singapore, Indonesia. Châu Á thì có Trung Quốc, Nhật Bản. Việt Nam không nằm trong tốp 20 về giá nhà cao thì đừng nói là giá nhà cao”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Mấu chốt của vấn đề, theo Thứ trưởng nhắc lại rằng, “nó nằm ở thực tế lương quá thấp chứ không phải giá nhà quá cao. Lương của chúng ta chỉ 2-3 triệu đồng/tháng, trong khi đó giá đất theo thị trường, giá xi măng, kính, sứ vệ sinh, cửa, khóa, bản lề, rèm... đều theo giá quốc tế, nhưng giá nhà lại yêu cầu phải bán theo mức lương 2 triệu đồng/tháng là không hợp lý”.
Vì thế, theo Thứ trưởng, khi đặt vấn đề giá nhà cao, “cần có kiến thức và suy nghĩ hợp lý, nếu không sẽ gây bão không đúng trong xã hội”.
Điểm thứ 3, Thứ trưởng cho biết, tồn kho BĐS cũng đã giảm liên tục. Tính đến 20/11/2014, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 77.800 tỷ đồng, giảm được 39% (khoảng hơn 50.000 tỷ đồng) so với quý I/2013.
Điểm thứ 4, tín hiệu rõ ràng nữa là dòng tiền đang hướng mạnh đổ vào BĐS. Dư nợ tín dụng BĐS hết quý III/2013 đã tăng gần 12%, trong khi tín dụng chung chỉ đạt khoảng 6%.../.