Sau khi Chính phủ phê duyệt đề án chuyển một phần vịnh Cam Ranh sang phát triển kinh tế, nơi đây trở thành “vùng đất vàng” thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có những động thái rất quyết liệt để đánh thức tiềm năng.
Nhiều dự án nằm… bất động
Sau khi Chính phủ phê duyệt chuyển một phần diện tích đất và mặt nước vịnh Cam Ranh sang phát triển kinh tế, khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh được chủ trương xây dựng thành khu du lịch đa ngành. Ngày 16/1/2004, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 177/QĐ-UB về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, tổng diện tích 4.800ha.
Trong đó, giai đoạn 1 phát triển khu du lịch Bãi dài Cam Ranh, diện tích 2.150ha, gồm các khu du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; trung tâm dịch vụ văn hóa, thương mại, hội thảo, du lịch vùng, miền, trung tâm hội nghị quốc gia và quốc tế; hệ thống khách sạn cao cấp có quy mô từ 5.000 - 10.000 phòng….
Từ một khu vực quân sự, nay Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh trở thành “vùng đất vàng”, nằm ôm sát bờ biển vịnh Cam Ranh, cùng với những bãi tắm đầy cát trắng mịn và sạch, thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư đến đăng ký lập dự án.
Chính vì vậy, sau hơn 10 năm kể từ khi được Chính phủ phê duyệt (2003 - 2013), Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã có đến 56 dự án được cấp phép nằm trên tổng diện tích 1.253ha, tổng vốn đăng ký 19.345 tỷ đồng. Trong đó, đã có 17 dự án được cấp phép xây dựng, 6 dự án đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, 11 dự án đang triển khai thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đáng tiếc là số dự án còn lại thì vẫn nằm… “bất động”.
Cương quyết thu hồi “dự án treo”
Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tại Khu du lịch Bãi dài Cam Ranh, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tạo nhiều điều kiện cho chủ đầu tư, từ hình thức nộp tiền thuê đất, giao đất, xây dựng hạ tầng… đến đối thoại, tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, đa số các nhà đầu tư vẫn không triển khai, kể cả những dự án đã được cấp giấy phép xây dựng, do không có khả năng tài chính. Chính vì vậy, từ năm 2010 đến cuối năm 2012, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi tổng số 24 dự án. 9 tháng đầu 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi tiếp 5 dự án trong Khu du lịch Bãi dài Cam Ranh.
Số dự án này, sau khi thu hồi UBND tỉnh sẽ giao cho các chủ đầu tư mới lập dự án, vì hiện đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký. Đây chính là những tín hiệu tốt nhằm khai thác tiềm năng kinh tế tại Khu du lịch Bãi dài Cam ranh, thúc đẩy các dự án khác sớm triển khai thực hiện.
“Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những năm trước đây, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ yêu cầu mỗi chủ đầu tư mới phải ký quỹ 100 tỷ đồng nộp vào Kho bạc Nhà nước. Khi nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đến đâu thì giải ngân đến đó, UBND tỉnh Khánh Hòa không thu khoản tiền ký quỹ này” - ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết.
Không để “đất vàng” ngủ quên
Nhưng bên cạnh những dự án trì trệ đang chờ được định đoạt nói trên cũng có nhiều “điểm sáng”. Đơn cử như dự án Golden Bay (Khu đô thị mới Hưng Thịnh) do Công ty CP Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (TP.HCM) thực hiện. Golden Bay Cam Ranh có tổng diện tích 78,7ha đất tại Lô D16 và D17, Khu 5 (Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh), thuộc địa bàn xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, với tổng vốn đầu tư 1.082,75 tỷ đồng.
Đây là một dự án khu đô thị cao cấp, vừa là nơi an cư lý tưởng cho người dân, vừa là địa điểm phát triển các lĩnh vực dịch vụ du lịch, thương mại nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Ngay sau khi được UBND tỉnh Khánh Hòa phê quyệt Quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/500 (Quyết định số 2632/QĐ-UB ngày 23/10/2012), Golden Bay Cam Ranh bắt tay vào công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng. Để đẩy nhanh tiến độ, Công ty Hưng Thịnh trình UBND tỉnh Khánh Hòa xin chủ trương triển khai dự án theo hình thức “cuốn chiếu” (giải tỏa đến đâu, thi công đến đó).
Đồng thời, trong công tác đền bù giải tỏa, chủ đầu tư đã hợp tác rất chặt chẽ với chính quyền địa phương. Ngoài đơn giá bồi thường giải tỏa theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư còn hỗ trợ thêm 1,25 lần/m2 so với giá đất nông nghiệp và đất rừng sản xuất; đồng thời “thưởng” thêm 35 triệu đồng/ha cho những hộ sớm nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng, cùng với các chính sách hỗ trợ di dời, chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ cuộc sống trong thời gian 12 tháng… đối với các hộ dân có đất bị thu hồi nằm trong dự án.
Vì vậy, mặc dù là đất nông nghiệp hoặc đất trồng rừng sản xuất, nhưng mỗi mét vuông đất, người dân vẫn thực nhận bình quân từ 93.000 đồng đến 283.000đồng/m2. Đây là một công tác “dân vận” rất đáng ghi nhận. Do đó, tuy là một dự án mới được phê duyệt tháng 10/2012, nhưng đến nay dự án này đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng đạt đến 30% so với kế hoạch.
Chính quyền địa phương đánh giá, đây là dự án khu đô thị “nòng cốt”, góp phần thúc đẩy các dự án khác triển khai thực hiện, bất chấp thị trường bất động sản đang “đóng băng”.