Trở lại khu tái định cư (TĐC) ở Thanh Chương, những khu vườn nay đã rợp bóng cây. Cuộc sống có vẻ khởi sắc hơn khi những tiệm tạp hóa đã mọc lên khá nhiều bên đường nhưng bên trong những căn nhà trông khá khang trang ấy vẫn là một cuộc vật lộn căng thẳng để sinh tồn của hàng ngàn người dân...
Ông Lương Văn Nguyên, bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm: “Nhà tôi 4 người, được chia gần 10.000 m2 đất rừng cằn cỗi thì biết làm thế nào cho đủ ăn?” - Ảnh: Khánh Hoan
Khó đủ bề
Anh Vi Văn Bình ngồi bó gối trước bậu cửa. Nỗi lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của người đứng đầu gia đình 5 miệng ăn này khi mấy chục cân gạo cứu đói mùa giáp hạt nhà nước cấp từ tháng trước đã sắp hết. Mấy bữa nay không ai thuê anh đi chặt cây.
12 tháng sống bằng gạo trợ cấp kể từ ngày đến nơi ở mới này đã qua đi rất nhanh, 5 miệng ăn sau đó chỉ trông vào 10.000 m2 đất rừng được chia. “Nhà mình trồng sắn, trồng lúa rồi trồng cả cây keo như hướng dẫn của cán bộ trên huyện, rứa mà vẫn đói”, anh Bình nói. Đói thì đầu gối phải bò, anh đi làm thuê chặt và lóc vỏ cây keo, mỗi ngày kiếm được 100.000 đồng. Nhưng ở vùng này không phải lúc nào muốn đi làm thuê cũng được.
Anh Bình bảo về đây đường sá thuận lợi, đi lại dễ dàng hơn, nhưng cái bụng thì đói hơn. Nhắc đến quê cũ, nơi bây giờ là lòng hồ thủy điện mênh mông nước, anh luyến tiếc: “Ở trên đó, nhà ta nhiều ruộng lắm. Lúa gạo không ăn hết đâu. Thức ăn thì trong rừng, dưới suối nhiều lắm, không bao giờ lo đói, không phải như ở đây, cái chi cũng phải đi mua mà tiền thì không có”.
Căn nhà của anh Bình đang ở do chủ dự án xây dựng rồi bàn giao. Nhà xây đổ sàn bê tông, kiểu như nhà sàn truyền thống của người Thái. Sau 5 năm, đến nay gác trên căn nhà đã dột nát, những đường hoành bằng gỗ đã mục chân, mái ngói oặt xuống. Anh Bình không dám sống trên gác mà phải xuống phía dưới sàn vì tai họa có thể sập xuống bất cứ lúc nào.
“Cả xã có gần 400 căn nhà như thế này thì đều đã xuống cấp. Chúng tôi đã báo cáo lên huyện và ban quản lý dự án thủy điện để họ có phương án sửa chữa nhà cho dân nhưng chưa thấy họ trả lời”, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, Lô Huy Hùng nói.
Bản có hơn nửa số hộ bỏ đi
Một cuộc di dân ngược trở lại lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đang diễn ra tại khu TĐC Thanh Chương. Báo cáo của UBND huyện Thanh Chương cho thấy đến nay đã có 145 hộ dân quay ngược về quê cũ để sinh sống và làm ăn. Người dân bỏ vùng tái định cư nhiều nhất là tại bản Kim Hồng của xã Ngọc Lâm và bản Chà Coóng 2 xã Thanh Sơn. Đây là những hộ dân cuối cùng đến vùng tái định cư này, vào năm 2009.
Trưởng bản Kim Hồng, ông Quang Diễn Hoàn, thở dài nói, bản có 102 hộ thì 34 hộ đã bán nhà bỏ đi, 27 hộ khóa cửa quay về quê cũ làm rẫy, chỉ còn 41 hộ dân bám trụ ở lại. Vì di dời muộn nhất nên đất sản xuất của dân bản này bị những người ở các bản khác đến trước “mượn” để sản xuất. Việc đòi đất rất phức tạp, mất nhiều công sức của chính quyền địa phương và chủ dự án thủy điện, nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Kết quả là sau 3 năm về đây, nhiều hộ dân vẫn chưa được chia đất để làm ăn. “Cực chẳng đã mà phải bán nhà về lại chứ ở trên quê cũ đất làm ăn đã chìm xuống dưới lòng hồ thủy điện hết rồi. Có người làm nhà mất vài ba chục triệu nhưng khi bán cũng chỉ được dăm triệu thôi, vừa đủ tiền thuê xe chở đồ đạc về quê. Về trên đó phải tìm những nơi nước chưa ngập, dựng lều lán mà làm ăn. Ở đây đất đai không có, nước uống thì mùa khô khan hiếm, đói ăn nên dân phải đi thôi”, ông Hoàn thở dài, rồi lắc đầu: “Trước khi đi, chính quyền, chủ dự án thủy điện nói đến đây bà con sẽ được sống sướng hơn, nhưng 3 năm rồi, sướng mô không thấy chỉ thấy đói thôi”.
Chưa có giải pháp căn cơ
Ông Phan Đình Hà, Phó chủ tịch UBND H.Thanh Chương, thừa nhận nguyên nhân người dân bỏ vùng TĐC quay về quê cũ là do cơ chế đất đai. Sau khi chuyển về khu TĐC, người dân phải chờ khá lâu để được giao đất sản xuất; quỹ đất sản xuất ít hơn so với nơi ở cũ; ruộng nước không đảm bảo theo quy định của dự án nên cuộc sống của họ gặp khó khăn. Mặt khác, vùng TĐC Thanh Chương chủ yếu là dân tộc Thái và Khơ Mú, họ chưa quen với tập quán canh tác mới nên càng khó khăn hơn.
Để “níu” người dân ở lại khu TĐC, H.Thanh Chương đang hướng dẫn cho họ cách canh tác, cách trồng sắn, rau màu, chè công nghiệp, cây rễ hương...; đồng thời hỗ trợ điện, y tế, sách vở, chăn nuôi, lương thực. UBND H.Thanh Chương cũng đã đề nghị tỉnh Nghệ An hỗ trợ gạo cứu đói cho dân, kiến nghị Chính phủ thêm định mức hỗ trợ lương thực cho người dân ở đây từ 12 tháng lên 36 tháng kể từ ngày về khu TĐC. Nhưng ông Hà cũng thừa nhận việc cứu đói không phải là giải pháp căn cơ để người dân TĐC ổn định cuộc sống lâu dài nếu như đất sản xuất vẫn chỉ bó hẹp mỗi hộ chưa đầy 1 ha.
Ông Lô Huy Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, cho biết diện tích đất sản xuất ở đây bình quân chỉ đạt 2.500 m2/người. Chừng đó đất rừng thì khác nào bắt dân múa tay trong bị. Đất hầu hết lại nằm trên các sườn dốc, cằn cỗi, xa nguồn nước. Hiện cả xã có gần 10 ha lúa nước trồng ven các con suối, còn lại phần lớn diện tích đất trên đồi đã được phủ xanh bằng cây sắn và keo lai. Còn dự án trồng chè công nghiệp thì chỉ mới nghe chủ trương trên tỉnh, chưa thấy. “Chúng tôi kiến nghị nhà nước nên có chính sách cấp đất cho người dân TĐC để dân ổn định cuộc sống lâu dài, chứ không lại đem con bỏ chợ. Nếu chỉ 2.500 m2/người thì rất khó sống. Chừng đó đất chỉ làm trong mấy ngày là xong. Xong rồi ngồi chơi quanh năm. Cái bụng đói thì người dân bắt buộc phải bỏ về quê cũ hoặc phải bán nhà bỏ đi nơi khác thôi”, ông Hùng nói.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: