“Trong vòng bảy tháng, liệu TP.HCM có đủ nguồn lực về tài chính, con người để lập thiết kế đô thị có chất lượng cho hàng trăm tuyến đường?” - đó là câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 88 chấp thuận lùi thời điểm phải có thiết kế đô thị (làm cơ sở cho việc cấp phép xây dựng theo Nghị định 64/2012) đến ngày 1-7-2013.
Đúng luật nhưng thiếu thực tế
Tại cuộc họp với TP vào tháng 11, nhiều quận, huyện cho biết nhân lực và kinh phí là hai rào cản lớn nhất cho quá trình lập thiết kế đô thị. “Hiện công việc chuyên môn tại phòng Quản lý đô thị rất nhiều, nếu phải tập trung làm thiết kế đô thị thì không đủ thời gian để giải quyết công việc hằng ngày. Còn nếu làm để chạy theo chỉ tiêu thì chất lượng các đồ án thiết kế khó đảm bảo” - lãnh đạo một quận nói.
Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, Bộ Xây dựng, yêu cầu phải có quy hoạch 1/500, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc thì mới được cấp phép xây dựng là đúng luật. Nhưng yêu cầu này lại không phù hợp thực tế của TP.
“TP đã gần như phủ kín quy hoạch 1/2.000 rồi, nay muốn lập tiếp quy hoạch 1/500 thì phải mất bao nhiêu thời gian mới làm nổi? Nếu đi theo hướng thiết kế đô thị cũng khó, vì từ giờ đến tháng 7-2013 khó có thể làm được cho cả mấy trăm tuyến. Đó là chưa kể nếu muốn các đồ án thiết kế đô thị đạt chất lượng thật sự, cần phải có nguồn kinh phí khổng lồ và một đội ngũ kiến trúc sư dày dạn kinh nghiệm” - ông Hòa đặt vấn đề.
Đại lộ Võ Văn Kiệt là một trong ba tuyến đường trọng điểm mà TP.HCM đang thực hiện thiết kế đô thị. Ảnh: HTD
Đồng quan điểm, KTS Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP, cũng cho rằng: “Nếu tập trung cho công tác này thì TP đã tính đến lực lượng chuyên môn, nguồn kinh phí để thực hiện chưa? Riêng việc trình những thủ tục liên quan đã không khả thi với thời hạn đưa ra rồi”.
Tiêu chí quá đơn giản
“Thiết kế đô thị không phải chỉ để cho đẹp, bởi đẹp chỉ là điều kiện đủ. Thiết kế đô thị gần như là một quy hoạch cao cấp và tỉ mỉ nhất, cần phải nghiên cứu rất sâu với hàng loạt tiêu chí. Mục đích là để quản lý không gian giữa cái chung và cái riêng, giữa của công, của Nhà nước và cộng đồng phải được phân định rõ ràng và công bằng” - ông Hòa cho hay.
Chỉ tính riêng việc lập quy hoạch 1/2.000, TP đã mất hơn 47 tỉ đồng. Nếu làm thiết kế đô thị thì còn tốn kém hơn nhiều, song kết quả chỉ để cấp phép xây dựng thì lại lãng phí, bởi công tác cấp phép xây dựng của TP bấy lâu vẫn rất “ngon lành”. Một cán bộ ngành quy hoạch TP |
Từ đó, TS Hòa và KTS Lưu đều nhận định: Các tiêu chí để làm thiết kế đô thị như hiện nay (về tầng cao, khoảng lùi, màu sắc, vật liệu…) là quá đơn giản, chỉ có tên mà không có nội dung cụ thể. “Làm thiết kế đô thị như vậy chỉ là dựng lên một bức tranh trang trí cho đường phố. Như thế làm sao có giá trị trong thực tế, trong khi đằng sau đó là không gian đô thị, là những tác động xã hội không được giải quyết” - TS Hòa nhấn mạnh.
Còn theo KTS Lưu, trừ các khu vực có dự án và đã có chủ đầu tư, thiết kế đô thị cho các tuyến đường chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng. Vì quá trình làm các đồ án thiết kế đô thị không thể hình dung được tuyến đường đó sẽ biến đổi như thế nào trong tương lai. Chẳng hạn, một lúc nào đó nếu nhà đầu tư muốn gom nhiều ô phố cũ trên một tuyến đường tạo quỹ đất làm thành một dự án lớn nhằm nâng cấp, chỉnh trang đô thị thì chắc chắn sẽ phá vỡ đồ án thiết kế đô thị đã được duyệt. Khi đó lại phải điều chỉnh rất nhiêu khê, phức tạp.
Nên thí điểm trước
Với những phân tích trên, KTS Lưu cho rằng trước mắt TP nên chọn ra vài tuyến đường làm thí điểm để có cơ sở báo cáo Bộ Xây dựng về những ưu nhược điểm, từ đó có hướng xử lý phù hợp, sát với thực tế của TP. Song song đó, tiếp tục kiến nghị trung ương cho áp dụng các quy định về cấp phép xây dựng của TP từ trước đến nay.
Cũng với hướng giải quyết này, TS Hòa đề xuất thêm: TP đã có những lợi thế nhất định (nhiều quận, huyện phủ kín quy hoạch 1/2.000, các quyết định về cấp phép xây dựng tương đối phù hợp), nếu cần thiết thì nên xây dựng thêm một vài quy chế quản lý nữa để thuận lợi hơn cho công tác cấp phép.
Hiện TP.HCM đang thực hiện thiết kế đô thị cho ba tuyến đường trọng điểm là đại lộ Võ Văn Kiệt, Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và xa lộ Hà Nội. Ở cấp độ quận, huyện, một số địa phương cũng đã triển khai thiết kế đô thị cho một vài tuyến đường, trong đó nổi bật là tuyến Lũy Bán Bích của quận Tân Phú (năm 2009).
Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Tân Phú, cho hay: Để lập thiết kế đô thị cho tuyến đường dài 4,1 km này, quận đã mất gần cả năm trời để nghiên cứu, khảo sát thực tế, vận động người dân và lên kế hoạch triển khai thực hiện. Tổng kinh phí thực hiện hơn 400 triệu đồng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: