Từ năm 2011 đến nay, vấn nạn tôn gian, tôn kém chất lượng ngày càng tinh vi hơn, điều này đã vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (NTD), gây thiệt hại nghiêm trọng cho DN.
Sản xuất ống thép tại Công ty CP Thép Bắc Việt Ảnh: Trần Việt
Ngay tại thị trường Hà Nội, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường cũng đã phát hiện gần 10 DN kinh doanh tôn thép giả, kém chất lượng.
32% thị trường rơi vào tay DN nước ngoài
Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có gần 20 DN sản xuất tôn thép mạ và tôn phủ màu, năng lực hơn 4 triệu tấn/năm, đủ đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa. Nhưng từ năm 2011 đến nay, các DN thương mại nhập khẩu (NK) một lượng lớn tôn, trong đó chủ yếu là hàng Trung Quốc. Điều đáng nói là tôn Trung Quốc chất lượng kém nên giá bán rẻ, thậm chí dưới giá thành nên đang dần chiếm lĩnh thị trường. Cụ thể, năm 2014, DN Việt Nam chỉ tiêu thụ được 2,2 triệu tấn, trong khi khối lượng NK 750.000 tấn, chiếm 26,3% thị trường trong nước; 9 tháng năm 2015, DN Việt Nam tiêu thụ được hơn 2,2 triệu tấn, nhưng NK tới 1 triệu tấn, chiếm tới 32% thị trường trong nước.
Thực tế cho thấy việc lượng tôn NK, trong đó có sản phẩm từ Trung Quốc kém chất lượng đang tăng mạnh đã khiến các DN Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề. Ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết: Với mức sụt giảm trên, DN trong nước đang phải chịu tổn thất 9.351 tỷ đồng (áp dụng mức giá 18 triệu đồng/tấn với tôn màu). Không chỉ thiệt hại kinh tế mà tình trạng tôn gian, tôn Trung Quốc kém chất lượng tràn lan trên thị trường tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Tôn mạ VnSeel Thăng Long cho biết, trong khi tôn mạ màu trong nước sản xuất có giá thành khoảng 19 - 22 triệu đồng/tấn thì sản phẩm của Trung Quốc chỉ vào khoảng 13 - 14 triệu đồng/tấn. Để có thể bán với giá rẻ như vậy, các nhà sản xuất Trung Quốc đã hạ chất lượng sản phẩm nên tôn chỉ dùng được khoảng 5 - 7 năm là phải thay thế, trong khi tôn Việt Nam có thời gian sử dụng từ 15 - 20 năm.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thủ đoạn thông thường mà các đối tượng áp dụng là nhập tôn Trung Quốc về, sau đó in nhãn mác, thương hiệu của các DN uy tín trong nước hoặc sản xuất gia công và “ăn bớt” độ dày của tôn. Chỉ cần đầu tư một hệ thống in phun khoảng chưa đến 200 triệu đồng, các cơ sở sản xuất có thể “hô biến” từ tôn giả, tôn nhái, kém chất lượng thành đủ các thương hiệu tôn chất lượng. Như vậy, không chỉ gian lận chất lượng mà còn trốn được 10 - 20% thuế. Việc giảm chi phí sản xuất theo phương thức gian lận như thế khiến tôn chính hãng không thể cạnh tranh về giá.
Lúng túng trong quản lý
Đại diện Cục Quản lý thị trường nêu rõ, hiện thị trường tôn do nhiều cơ quan quản lý nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm. Thêm nữa, ông Sưa khuyến nghị, DN cần chủ động tiếp cận NTD, qua đó tư vấn để họ hiểu rõ hơn về sản phẩm của DN và phổ biến cách phân biệt giữa sản phẩm tôn thép giả và tôn thép chính hiệu.
Thực tế cho thấy, mặc dù các loại tôn gian NK từ Trung Quốc sau đó “lấy cắp” thương hiệu Việt để tiêu thụ vi phạm quyền lợi NTD, nhưng điều đáng lo ngại là việc phân biệt giữa tôn thật với tôn gian, nhái nhãn mác không hề dễ dàng. Đứng ở góc độ DN, ông Thanh kiến nghị: Cơ quan quản lý Nhà nước cần siết chặt khâu NK để ngăn chặn các sản phẩm tôn thép kém chất lượng đang NK ồ ạt vào thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ trong việc kiểm tra, rà soát chất lượng sản xuất tôn của các DN trong nước. Đặc biệt, có chế tài mạnh, xử lý triệt để đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh gian lận, kiếm lời bất chính...