Ảnh minh họa. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ và đối mặt với gian lận thương mại vẫn còn là câu hỏi lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép xây dựng bán ra của các doanh nghiệp thành viên của VSA tháng 7/2014 đạt hơn 423,6 nghìn tấn, tăng 7,22 % so với cùng kỳ năm 2013, và tăng nhẹ so với tháng 6/2014, lượng thép tồn kho cũng đã giảm. Tuy nhiên, bước vào tháng Tám, tiêu thụ thép có xu hướng trầm lắng. Đại diện VSA thừa nhận, hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, tìm kiếm thị trường.
Qua khảo sát tại các cửa hàng, đại lý thép tại Hà Nội, trên phố Đê La Thành, Tam Trinh... lượng thép tiêu thụ trong tháng Bảy và tháng Tám đều khá ảm đạm.
Nguyên nhân được các đại lý này đưa ra là do đây là thời điểm mưa bão nhiều nên không thuận lợi cho các hoạt động xây dựng.
Dự kiến, phải đến quý Tư cuối năm, khi nhu cầu xây dựng tăng cao hơn, lượng tiêu thụ thép mới có sự đôt biến. Hiện giá bán thép giao tại nhà máy (chưa tính VAT) có xu hướng giảm nhẹ so với thời điểm tháng 5-6 trước đó, từ 100.000-200.000 đồng/tấn. Giá bán thép cây và thép cuộn phía Bắc phổ biến ở mức 12,2-12,7 triệu đồng/tấn; trong khi đó, khu vực phía Nam là 12,7-13,6 triệu đồng/tấn.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho rằng, khó khăn của ngành thép nằm trong khó khăn chung của nền kinh tế đất nước. Ngành thép trong nhiều tháng qua tiêu thụ vẫn ở mức chậm, xuất phát từ sự đóng băng của thị trường bất động sản, sự phát triển chậm của thị trường xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng và ngành công nghiệp cơ khí, đóng tàu, những ngành sử dụng nhiều thép.
Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng nhỏ trong những tháng qua giảm đáng kể. Như vậy, khó khăn lớn của doanh nghiệp nằm ở việc mất cân đối của thị trường sản xuất nhiều, nhưng tiêu thụ thì ảm đạm. Điều này khiến các doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng 50-60% công suất, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao.
Đồng quan điểm trên, đại diện Công ty thép Việt Úc, ông Phan Đào Vũ cho rằng, trong thời điểm hiện nay, việc sản xuất và tiêu thụ thép vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sản lượng tiêu thụ vẫn còn ở mức thấp do thị trường bất động sản chưa có nhiều chuyển biến. Trong khi đó, những chi phí đầu vào như điện, xăng dầu, vận chuyển... vẫn ở mức cao.
Chưa hết khó khăn vì nhu cầu giảm, thị trường tiêu thụ ảm đạm, thép trong nước vẫn tiếp tục gặp khó với thép nhập khẩu giá rẻ. VSA cho biết, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2014, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam đã lên đến trên 7 triệu tấn, mức nhập siêu lên đến 4,33 tỷ USD; với lượng thép hợp kim tăng hơn 56%, tương đương 718 nghìn tấn. Trong đó, phải kể đến lượng lớn thép hợp kim chứa nguyên tố Bo của Trung Quốc nhập vào Việt Nam bán với giá rẻ, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước.
Theo đại diện Công ty thép Việt Úc, sự trầm lắng trong tiêu thụ và khó khăn do thị trường khiến các doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng sản xuất là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một vấn đề khác được các doanh nghiệp kiến nghị nhiều trong những năm qua là làm sao để hạn chế gian lận thương mại, nhập khẩu thép chứa nguyên tố Bo để trốn thuế.
Lượng thép nhập khẩu chứa nguyên tố Bo ước tính chiếm trên 10% lượng thép tiêu thụ ở Việt Nam và gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu dùng thép trong nước. Các giải pháp để ngăn chặn việc lách luật này đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả. Và các doanh nghiệp vẫn phải tự cứu lấy chính mình bằng việc tái cơ cấu và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Băn khoăn về điều này, ông Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, về thép xây dựng, sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu về sản lượng, chất lượng xây dựng trong nước từ nhà ở đến các công trình cầu đường. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu thép từ các nước, đặc biệt là Trung Quốc vào Việt Nam vẫn rất nhiều.
Trong đó, một số hàng nhập vào Việt Nam có biểu hiện gian lận thương mại, thép chứa nguyên tố Bo nhập với thuế xuất 0% và được bán giá rẻ. Mặc dù vừa qua, thông tư liên tịch 44 của liên Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định về quản lý chất lượng đối với thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu đã chính thức có hiệu lực, nhằm hạn chế phần nào việc gian lận thương mại. Nhưng đến nay, qua phản ánh của các doanh nghiệp thì tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.
Để hạn chế tình trạng này, đại diện Công ty phân phối thép SMC cho rằng, bên cạnh những giải pháp từ phía Nhà nước nhằm tạo thị trường cho ngành thép phát triển thì bản than các doanh nghiệp cũng cần phải tái cơ cấu thị trường cũng như chủng loại sản phẩm, đồng thời có chiến lược đầu tư bài bản hơn. Đơn cử như việc chú trọng đầu tư vào chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tiêu hao để từ đó giảm giá thành và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
Có thể nhận thấy, nhiều doanh nghiệp ngành thép vẫn có bước phát triển mạnh, đi lên từ khó khăn như Tôn Hoa Sen, Liên doanh thép Việt-Úc, Minh Ngọc, SeAH Việt Nam, Tôn Đông Á, thép Hòa Phát… Những doanh nghiệp này đã tập trung nâng cao năng lực, chất lượng và cải thiện hiệu quả sản xuất. Theo VSA, bước đi trước mắt cho các doanh nghiệp thép hiện nay là cần tổ chức lại thị trường, tái cơ cấu sản xuất để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ông Hồ Nghĩa Dũng cũng cho rằng, một vấn đề quan trọng nữa là trong xu thế hội nhập, cần có những giải pháp về hàng rào kỹ thuật hợp pháp, hợp lý để bảo vệ sản xuất trong nước và khuyến khích sản xuất chống gian lận thương mại trong quan hệ mua bán đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Vừa qua, trong nhiều kiến nghị đến các Bộ ngành, VSA cũng đã gửi kiến nghị đến các cơ quan Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp ngành thép, trong đó xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại như xem xét điều tra chống bán phá giá một số mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép chân chính; kiến nghị xem xét đưa mặt hàng sắt thép vào danh mục hàng hóa cần được bảo hộ có lộ trình để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất thép trong nước./
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: