VN-Index lập đỉnh
Dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát, nhà đầu tư “giẫm đạp lên nhau” bán cổ phiếu, thị trường rơi vào cảnh bán tháo hỗn loạn. Hàng loạt cổ phiếu bị giảm giá thê thảm, VN-Index rơi một mạch từ 900 điểm chạm đáy 660 điểm (tháng 3/2020).
Đến quý III/2020 khi Việt Nam cơ bản kiểm soát được đại dịch, thị trường chứng khoán có những dấu hiệu khởi sắc trở lại. Điều đáng ngạc nhiên là chỉ số VN-Index không chỉ phục hồi mà còn tăng trưởng mạnh mẽ. Tính tới hết phiên 30/12, VN-Index đạt ngưỡng 1.097 điểm, mức cao nhất trong hơn 2 năm nay và chỉ còn cách đỉnh lịch sử năm 2018 khoảng 100 điểm.
Khối ngoại bán ròng kỷ lục
Năm 2020 cũng chứng kiến việc khối ngoại bán ròng kỷ lục. Theo đó, tính đến cuối năm 2020, khối ngoại đã bán ròng hơn 17.000 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết.
Nhìn lại năm vừa qua, những phiên khối ngoại bán ròng nhiều nhất có thể kể đến như phiên 06/05 (hơn 2.400 tỷ đồng), 28/08 (hơn 1.200 tỷ đồng), 02/12 (hơn 1.000 ngàn tỷ đồng).
Xét theo giá trị, khối ngoại tập trung bán ròng nhiều nhất đối với các mã như MSN (Masan) hơn 4.300 tỷ đồng, HPG (Hòa Phát) hơn 3.800 tỷ đồng, VIC (Vingroup) gần 2.900 tỷ đồng và DIG (công ty Đầu tư Phát triển Xây đựng) hơn 2.100 ngàn tỷ đồng.
Bùng nổ nhà đầu tư F0
Năm 2020 cũng là một năm bùng nổ của nhà đầu tư F0, làm thị trường chứng khoán sôi động hẳn lên. Số lượng tài khoản mở mới tăng kỷ lục. Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) lũy kế 11 tháng đầu năm 2020, số tài khoản mở mới trên thị trường Việt Nam đạt hơn 330,000 tài khoản, cao hơn gần 88% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ riêng trong tháng 11, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư trong nước đạt 41.203 tài khoản, là tháng có số lượng tài khoản mở mới cao nhất trong lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam từ trước đến nay.
Trong đó, chiếm tới 99,7% là tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân. Đây cũng là nhân tố thúc đẩy sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam, bất chấp đà bán ròng hơn 17.000 tỷ đồng của nhà đầu tư nước ngoài.
Việc thị trường giảm sâu đã kích hoạt dòng tiền “bắt đáy” tạo điều kiện cho các nhà đầu tư F0 cũng gia nhập thị trường trong bối cảnh giãn cách xã hội. Dòng tiền được đổ vào chứng khoán tăng lên và trở thành động lực kéo thị trường đi lên.
Thanh khoản đạt mức lịch sử
Càng về cuối năm, thanh khoản càng trở thành câu chuyện nóng trên thị trường chứng khoán. Bình quân thanh khoản quý 4 đạt hơn 11.000 tỷ đồng/phiên.
Đặc biệt, phiên 23/12, thanh khoản thị trường đạt mức lịch sử với hơn 1 tỷ cổ phiếu tổng trị giá gần 17.900 tỷ đồng (phá vỡ kỷ lục năm 2018).
Diễn biến giao dịch sôi động tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch 24/12. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt mức 972 triệu cp, tương ứng giá trị gần 17.000 tỷ đồng.
Chạy đua phát hành trái phiếu
Thị trường trái phiếu bùng nổ năm 2020 trước Nghị định số 81/2020 của Chính phủ. Chỉ tính đến hết tháng 8, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt hơn 250.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt gần 238.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Nghị định số 81/2020/NĐ-CP (hiệu lực từ 01/09/2020) được ban hành, qua đó đã nâng cao tiêu chuẩn, giới hạn về phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm hạn chế hoạt động phát hành quá mức để phân phối cho nhà đầu tư cá nhân.
Theo quy định mới, mỗi đợt phát hành trái phiếu phải hoàn thành trong vòng 90 ngày từ khi công bố thông tin và đợt sau cách đợt trước tối thiểu 6 tháng. Quan trọng hơn là dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất.
Trong cuộc chạy đua phát hành trái phiếu này, điển hình, một số doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản phát hành với lớn như: Công ty TNHH Saigon Glory (5.000 tỷ đồng), Novaland (2.220 tỷ đồng), Phú Long (1.800 tỷ đồng), Golf Long Thành (500 tỷ đồng),…
Ngân hàng ồ ạt lên sàn
Sự kiện này được thúc đẩy bởi quy định mới của chính phủ về việc bắt buộc tất cả các ngân hàng thương mại sẽ phải đưa cổ phiếu lên niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM đến hết năm 2020.
Tính đến thời điểm hiện tại, trong số 31 ngân hàng đang hoạt động trên thị trường, đã có 18 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Trong đó, có 4 cái tên mới gia nhập trên sàn HOSE gồm Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB), Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Á Châu (ACB) và Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB). Ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Nam Á (NAB) cũng đã gửi hồ sơ đăng ký niêm yết lên sàn HOSE.
Bên cạnh đó, hàng loạt các ngân hàng như Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGB), Ngân hàng An Bình (ABB), Ngân hàng Bản Việt (BVB), Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SGB)…cũng đua nhau lên sàn UPCOM.
Nâng lô giao dịch tối thiểu, đánh thuế cổ tức cổ phiếu
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây vừa chấp thuận cho Sở GDCK TP.HCM (HOSE) triển khai tăng đơn vị giao dịch lô chẵn từ 10 lên 100 cổ phiếu từ năm 2021.
HOSE cho biết việc thay đổi này phù hợp với thông lệ của nhiều nước trong khu vực, cũng như điều kiện phát triển hiện tại của thị trường và tương thích với hệ thống giao dịch mới sắp tới của Sở.
Tuy nhiên, thông tin này khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí lo ngại điều đó sẽ kéo thanh khoản thị trường giảm xuống, hạn chế nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán.
Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), việc tăng lô sẽ hạn chế mạnh sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư mới và nhà đầu tư nhỏ lẻ, đồng thời giảm mạnh dòng vốn từ nhà đầu tư F0 vào các cổ phiếu bluechip do những cổ phiếu này trở nên đắt đỏ.
Cuối năm còn ghi nhận thêm sự thay đổi quy định trong việc thu thuế cố tức bằng cổ phiếu. Cụ thể, từ ngày 05/12/2020, khi bán cổ phiếu được chia thưởng, được trả cổ tức sẽ bị tính 5% thuế thu nhập cá nhân.
Quy định mới này khiến nhiều nhà đầu tư trăn trở, bởi khi doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu làm lượng cổ phiếu lưu hành tăng thêm nhưng giá trị thì giảm đi. Vào ngày chốt quyền hưởng cổ tức, giá tham chiếu cổ phiếu bị điều chỉnh giảm nhưng thực chất tài sản của nhà đầu tư không tăng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: