Trong cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết về việc thí điểm áp dụng mô hình chính quyền đô thị của TP. Hồ Chí Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Quản lý Nhà nước (Bộ Nội vụ) Dương Quang Tung cho rằng: Hà Nội cũng nên học mô hình quản lý đô thị mà TP. HCM đang đề xuất áp dụng.
TP. HCM vừa đề xuất áp dụng mô hình quản lý đô thị "TP trong TP” như vậy chỉ còn 2 cấp chính quyền để quản lý các vấn đề của đô thị. Ông nghĩ sao về điều này và theo ông có nên nhân rộng mô hình chính quyền đô thị của TP. HCM trong phạm vi cả nước?
Ông Dương Quang Tung: Tại cuộc họp bất thường của Thành ủy TP. HCM vừa mới diễn ra, một mô hình rõ ràng về chính quyền đô thị đã hình thành. Theo đó, chính quyền đô thị TP.HCM xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị có 2 cấp là chính quyền TP và chính quyền cấp cơ sở. Chính quyền cấp cơ sở sẽ gồm 4 đô thị thành lập mới và các xã, thị trấn còn lại. Đây được xem là cấp dưới cấp chính quyền TP. HCM. Các đô thị này có pháp nhân công quyền với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao, có tổ chức HĐND và UBND. 4 đô thị này tạm thời gọi là TP Đông, Nam, Tây, Bắc. Như vậy, 13 quận nội thành cũ là một cấp chính quyền hoàn chỉnh, đóng vai trò là đô thị trung tâm, thuộc pháp nhân công quyền TP. HCM. Còn, 4 đô thị vệ tinh là những đô thị mới được tổ chức thành một cấp chính quyền cơ sở. Chính quyền TP.HCM quản lý theo cơ chế phân cấp. Chính quyền TP. HCM (hiện tại) sẽ vừa đóng vai trò là chính quyền cấp trên cơ sở vừa là chính quyền đô thị của 13 quận nội thành. Tôi nghĩ rằng đây là mô hình quản lý phù hợp với một TP lớn như TP. HCM. Tôi ủng hộ mô hình quản lý đô thị theo mô hình này. Tuy nhiên, nếu áp dụng mô hình này trong toàn quốc là không phù hợp.
Ý ông nói là với những đô thị có điều kiện dân số, địa lý tương tự TP.HCM thì áp dụng mô hình quản lý "TP trong TP” là phù hợp. Vậy Hà Nội có thể áp dụng mô hình chính quyền đô thị này không?
- Đối với các TP trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ... thì không nên áp dụng mô hình chính quyền đô thị này nhưng áp dụng với Hà Nội là hợp lý hợp tình. Nếu áp dụng mô hình quản lý đô thị kiểu "TP trong TP” Hà Nội cũng nên lập các TP vệ tinh ở 4 phía gồm Long Biên, Sơn Tây, Hà Đông, Từ Liêm và những TP này sẽ trực thuộc TP Hà Nội. Còn các quận nội thành cũ như Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa... thì sẽ không tổ chức HĐND quận, huyện, phường mà HĐND TP Hà Nội sẽ trực tiếp quyết định những vấn đề liên quan đến chức năng, vai trò của HĐND. Nếu áp dụng mô hình chính quyền đô thị này sẽ tạo ra bộ máy chính quyền tinh gọn, trách nhiệm rõ ràng, hiệu quả được nâng cao.
Áp dụng mô hình 2 cấp chính quyền thì chính quyền sẽ gần dân hơn. Ảnh: Hoàng Long
Vấn đề bức xúc trong quản lý đô thị thì hầu hết TP nào cũng mắc nhưng tại sao chỉ áp dụng với TP. HCM và Hà Nội thưa ông?
- Tất nhiên trong quá trình đô thị hóa nhanh, trong quản lý đô thị, mỗi TP đều có những vướng mắc riêng. Nhưng để áp dụng mô hình chính quyền đô thị "TP trong TP” thì chỉ nên áp dụng với những TP có diện tích rộng và dân số quá lớn. Nếu áp dụng mô hình quản lý đô thị trước đây sẽ không giải quyết được những bức xúc trong quản lý đô thị. Trong khi áp dụng mô hình "TP trong TP” của TP. HCM thì sẽ có 4 TP trực thuộc, nếu năng động và sáng tạo sẽ giống như TP HCM nhân lên 4 lần vậy. Các phúc lợi công cộng sẽ thực chất hơn với người dân vì có tới 4 TP thì người dân sẽ có điều kiện để so sánh TP nào hơn, qua đó các TP phải cạnh trạnh để phục vụ dân tốt hơn... Chỉ riêng điều này thôi đã thấy dân sẽ được nhiều hơn mất. Vì vậy, nếu áp mô hình 2 cấp chính quyền thì chính quyền sẽ gần dân hơn, dân được tham gia nhiều vấn đề của TP, được phục vụ tốt hơn và cũng giám sát cơ quan quản lý nhà nước tốt hơn.
Nếu áp dụng mô hình chính quyền đô thị như TP. HCM đề xuất, người dân đang băn khoăn không biết người đứng đầu TP sẽ là một ông chủ tịch hay thị trưởng, theo ông thì nên thế nào?
- Tôi nghĩ người đứng đầu là Chủ tịch hay Thị trưởng cũng chỉ là tên gọi. Tuy nhiên, theo tôi nếu áp dụng mô hình Thị trưởng thì thích hợp hơn. Bởi nếu áp mô hình cũ, tiếng là người đứng đầu nhưng quyết định lại mang tính tập thể. Quản lý theo lối này sẽ không rõ trách nhiệm cá nhân. Thậm chí nhiều quyết định là quyết định của cá nhân nhưng được cái "ô” tập thể che chắn, được hợp lý hóa dưới danh nghĩa của tập thể cho nên khi có sai phạm không xử lý nổi trách nhiệm. Trong khi đó, với những vấn đề bức xúc của đô thị hiện nay thì rất cần những "nhạc trưởng”, quyết định nhanh, đúng, giải quyết gọn những bức xúc của nhân dân. Tất nhiên, thước đo của việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị chính là ở chỗ chính quyền đó có thực sự là của dân, do dân và vì dân hay không; có khắc phục được tình trạng quan liêu, cửa quyền, xa dân hay không? Vì vậy, một ông Thị trưởng tốt hơn ông Chủ tịch hay không câu trả lời còn ở phía trước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Xóa cơ chế xin - cho trong phân bổ ngân sách Theo dự thảo đề án Chính quyền đô thị của TP. HCM, chính quyền đô thị TP.HCM sẽ có thẩm quyền phân định rõ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Đối với ngân sách trung ương, việc thu chi theo cơ chế ủy nhiệm chịu sự giám sát của trung ương, còn đối với ngân sách địa phương thì hoàn toàn tự chủ thu - chi và tự chịu trách nhiệm. Điều này sẽ khắc phục được sự thiếu minh bạch về thẩm quyền, trách nhiệm và phân cấp ngân sách như hiện nay, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho trong phân bổ ngân sách. |