Giải cứu hàng tồn kho
Là người tiên phong trong kiến nghị cho doanh nghiệp trong nước thế chấp BĐS để vay vốn ở ngân hàng nước ngoài, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng mở cho nhà đầu tư nước ngoài vào thì nên mở cho nhà đầu tư trong nước được vay ở ngân hàng nước ngoài, vì 2 chính sách này gần như đối ngẫu với nhau.
Đây chính là luồng vốn để giải cứu kho BĐS tồn đọng hiệu quả nhất. TPHCM có lẽ là địa phương ủng hộ quan điểm này mạnh mẽ nhất. Mới đây, trong kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, liên quan đến thị trường BĐS trên địa bàn, TP đề nghị cho phép thế chấp BĐS bằng quyền sử dụng đất ở ngân hàng nước ngoài nhằm giải quyết vướng mắc hiện nay trong việc hợp tác kinh doanh và nhận nguồn vốn đầu tư BĐS với đối tác nước ngoài.
Trước đó, Hiệp hội BĐS TPHCM (HOREA) cũng đã kiến nghị lên Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS việc “tháo khóa” này. Thậm chí, liên quan đến những quan ngại và vướng mắc lớn nhất như nếu doanh nghiệp không thể đảm bảo được vấn đề thanh toán đúng hẹn, việc tranh chấp, trốn nợ, phát mãi tài sản sẽ giải quyết như thế nào? Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA, kiến nghị việc xử lý những trường hợp bị phát mãi, trốn nợ có thể tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.
Trên thực tế, việc cho doanh nghiệp trong nước thế chấp quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất đã được manh nha từ rất lâu. Tuy nhiên, vì nhiều khía cạnh phức tạp, việc này vẫn chưa thể đi vào thực tiễn.
Ngay cả khi vào giữa năm 2012, Ngân hàng Nhà nước tổ chức một hội thảo về thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài với hàng loạt vấn đề được đưa ra thảo luận, mổ xẻ như: sự cần thiết của việc cho thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài; đối tượng được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài; điều kiện ràng buộc cho việc nhận thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của các ngân hàng ở nước ngoài; quyền của bên nhận thế chấp; việc xử lý tài sản thế chấp… nhưng vẫn chưa thể đi đến được một kết luận cuối cùng.
Luật chưa mở
Ngay cả trong Luật Đất đai, những quy định về vấn đề này cũng vô cùng hạn chế. Luật Đất đai 2003 chỉ mới quy định cho phép thế chấp quyền sử dụng đất hoặc tài sản đầu tư trên đất để vay vốn của tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, chưa có các quy định về thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại nước ngoài.
Dự thảo Luật Đất đai 2003 sửa đổi (hiện đang chờ Quốc hội thông qua) có mở rộng hơn một chút, khi quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và các tổ chức kinh tế liên doanh có thể thế chấp tại ngân hàng ở nước ngoài, nhưng điều kiện khá ngặt nghèo là sẽ “do Chính phủ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể”.
Luật chưa mở nên việc thế chấp các tài sản là BĐS để vay vốn ở ngân hàng nước ngoài rất khó. Ảnh: L.Thanh
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nhìn chung cánh cửa này vẫn đang ở trạng thái “khép” đối với các doanh nghiệp và điều này sẽ làm hạn chế kênh huy động vốn đầu tư. Trong bối cảnh thị trường vẫn tiếp tục khó khăn, luồng vốn từ các ngân hàng trong nước vẫn chưa cởi mở, vay vốn ở ngân hàng nước ngoài là một kênh huy động mà các doanh nghiệp trong nước rất kỳ vọng.
“Tôi cho rằng chính sách cần phải có sự đồng bộ, không nên bên đóng bên mở. Và như thế cũng chỉ các doanh nghiệp trong nước thiệt thòi. Bản thân các ngân hàng nước ngoài cũng có những tiêu chuẩn trong việc cho vay, thậm chí sẽ rất khắt khe chứ không phải cho vay tràn lan” - GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Nhiều người lo ngại sẽ rủi ro, nhưng việc mở cho người nước ngoài mua nhà ở trong nước cũng ngang với việc chúng ta đem thế chấp BĐS ở đây ra bên ngoài. Cần phải có sự thông thoáng hơn về mặt chính sách. Khi chính sách một bên thông một bên tắc sẽ tạo ra hệ quả tiêu cực. GS. Đặng Hùng Võ |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: