Thực tế đã cho thấy, việc ban hành giá trần dịch vụ chung cư trước đây không sát với thực tế, chỉ mang tính chất tham khảo. Điều này vô tình đã tạo ra mâu thuẫn giữa đơn vị quản lý tòa nhà với cư dân đang sinh sống tại đây. Nhiều vụ việc được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh trong thời gian qua hầu hết đều phát sinh từ việc đơn vị cung cấp dịch vụ của chủ đầu tư khu nhà muốn áp giá cao, thậm chí cao hơn giá trần nhiều lần nên phát sinh mâu thuẫn, có khi gay gắt. Ngay khu thường được gọi là "cao cấp" Trung Hòa - Nhân Chính thuộc chủ đầu tư Vinaconex, năm 2006 đơn vị quản lý dịch vụ đã đưa thông báo do phí dịch vụ thấp nên phải bù lỗ 5 tỷ đồng. Từ đó, đơn vị này yêu cầu tăng giá trông giữ xe máy từ 20.000 lên 45.000 đồng/xe/tháng đúng như mức quy định của UBND TP Hà Nội. Đồng thời, tăng phí dịch vụ quản lý vận hành chung cư từ 30.000 đồng lên 100.000 đồng/căn hộ và còn đưa ra lộ trình tăng lên 180.000 đồng/căn hộ để bù đắp chi phí. Trong khi đó, Ban quản trị của dân do chủ đầu tư tổ chức bầu, khi thẩm định dự toán về số tiền bù lỗ gần 5 tỷ đồng đã nhận thấy không có cơ sở nên chỉ đồng ý tăng giá trông giữ xe máy lên 30.000 đồng/xe/tháng (vì đất tầng hầm là sở hữu chung) và phí dịch vụ lên 60.000 đồng/căn hộ. Đề xuất đó không được chủ đầu tư chấp thuận và phát sinh mâu thuẫn. Cuối cùng, chủ đầu tư Vinaconex phải xin thành phố giữ nguyên giá cũ và phải đến năm 2012 mới tiếp tục thỏa thuận với dân đưa ra giá trông giữ xe máy chỉ 30.000 đồng/xe/tháng và giá dịch vụ chỉ 90.000 đồng/căn hộ, rẻ nhất hiện nay. Điều đó chứng tỏ giá mỗi nơi một khác và chỉ có cách công khai dự toán, bàn bạc thống nhất thỏa thuận như Luật Nhà ở đã quy định là giải pháp hợp lý. Không chỉ riêng khu Trung Hòa - Nhân Chính mà đã có rất nhiều khu đô thị trên địa bàn Hà Nội và TP. HCM cũng đang phát sinh mâu thuẫn xung quanh phí dịch vụ chung cư.
Từ thực tế trên, có thể nói, việc UBND TP lên phương án thay giá trần bằng đơn giá dịch vụ chung cư để đơn vị dịch vụ tính toán công khai bàn bạc với dân sẽ sát với mọi chung cư vốn rất đa dạng là cần thiết và hợp lý. Người dân sống tại các khu chung cư cần được thực sự làm chủ theo Luật Nhà ở đã có hiệu lực từ 1/7/2006, thông qua Ban quản trị do dân bầu ra. Thành phố cần hướng dẫn thành lập Ban quản trị đúng Luật Nhà ở, đủ tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản hoạt động theo luật.
Ban quản trị cũng cần được thanh tra, kiểm tra quy hoạch xây dựng ban đầu, xác định lại các diện tích chung, riêng, các diện tích xây sai... làm cơ sở tính toán giá cả theo đơn giá cho phù hợp với từng loại chung cư.
Mặt khác, để tránh phát sinh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư các tòa nhà và của người dân, tốt nhất là hình thành các đơn vị chuyên làm dịch vụ chung cư, từ đó có sự cạnh tranh lành mạnh để dân chọn qua đấu thầu công khai minh bạch. Thực tế nếu ở đâu phí dịch vụ chung cư được công khai minh bạch, ở đó sẽ không nảy sinh những mâu thuẫn.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa báo cáo UBND TP về tình trạng vi phạm trong đầu tư, quản lý, khai thác nhà chung cư. Theo đó, qua kiểm tra 12 dự án chung cư tại Hà Nội, đã phát hiện nhiều trường hợp diện tích sở hữu chung do chủ đầu tư quản lý, kinh doanh chưa được hạch toán công khai, chi phí chưa được bù trừ vào giá dịch vụ. Bên cạnh đó, các khoản doanh thu phát sinh từ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ cho toà nhà chưa công khai (như quảng cáo, khai thác tiện ích chung, thu thêm tiền của các hộ không chính chủ); nội dung hợp đồng mua bán căn hộ mang tính áp đặt của chủ đầu tư... |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: