"Ông nào đúng ý thì lôi vào làm"
Hầu như các nguồn vốn ngân sách chuyển về cho các chủ đầu tư, và các chủ đầu tư coi đó như vốn của mình. Ảnh: chỉ mang tính minh họa
Ông Thắng nêu thực tế, hầu như các nguồn vốn ngân sách chuyển về cho các chủ đầu tư, và các chủ đầu tư coi đó như vốn của mình, được làm tất cả các quyền: từ chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án cho đến đấu thầu.
Trong quá trình đó, chủ đầu tư sẵn sàng thông đồng với cai thầu, “ông nào đúng ý thì lôi vào làm”. Thậm chí có những dự án được người ta làm thiết kế kỹ thuật khống, khi nhà thầu trúng ý thì thanh toán theo khoản ấy, chứ không chỉ tính theo phần trăm nữa. Bởi chủ đầu tư được chuẩn bị dự án, đến đấu thầu, ký hợp đồng và thanh toán, quyết toán.
Do đó, dự án càng to thì chủ đầu tư càng được nhiều tiền. Có những ông cứ làm rồi khóa sau mình nghỉ, tội gì không làm. Bản thân giám sát thi công và ông nhà thầu chi cho nhau nên chất lượng công trình rất yếu.
Ông Thắng cho hay, có những nhà thầu ngồi bàn với nhau: thôi các ông nhường tôi, mỗi ông một hồ sơ tôi trả ngần này, ngần này, như cái chợ, ăn chia trên ngay lưng Nhà nước. Hoặc có những ông làm ăn thẳng với chủ đầu tư. "Nghị định 12 phân cấp cho cấp dưới là đương nhiên, nhưng cái khó là quản lý, giám sát vốn thực hiện lỏng lẻo. Tuy bộ KH&ĐT có nghị định 113 nhưng mang tính hình thức, chủ yếu là quy trình, thủ tục", ông Thắng kết luận.
Ở góc độ khác, có ý kiến cho rằng quy trình đấu thầu không có nghĩa lý gì, cho nên công trình không tiết kiệm được nhiều. Năm 2009 giảm bình quân 6%, 2010 giảm 5,5%, bây giờ giảm còn 3-4%, có những dự án 20-30 tỷ đấu thầu chỉ giảm được vài chục triệu.
Khá bi quan về cách giám sát đầu tư xây dựng cơ bản, ông Thắng nêu thực trạng, “hiện chúng tôi chỉ định thầu phải tiết kiệm 30% , muốn làm thì làm, không chấp nhận được thì thôi. Biết là vi phạm luật đấu thầu nhưng sốt ruột quá”. Ông Thắng nhận định, việc quản lý giám sát lỏng lẻo thì thất thoát, lãng phí vẫn còn.
Đại diện của bộ Xây dựng cũng cho rằng: thất thoát, lãng phí nhiều do phân cấp cho chủ đầu tư quá nhiều. Tuy nhiên, nếu Nhà nước làm chặt khâu thiết kế cơ sở thì mất nhiều tiền mà chưa biết dự án có được phê duyệt hay không, còn làm lỏng thì gây lãng phí.
Thứ trưởng bộ KH&ĐT Đào Quang Thu đánh giá, việc này liên quan đến sửa luật Đầu tư công. “Có lẽ nên làm như Tây, chuẩn bị đầu tư phải làm kỹ. Chứ Việt Nam chuẩn bị nhanh nhưng lúc làm điều chỉnh, làm vốn tăng gấp đôi gấp ba”.
Ai đứng ra cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Đại diện sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Nghệ An nêu thực tế hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ mang tính chất khuyên bảo thôi , còn ai đứng ra chịu trách nhiệm giúp đỡ doanh nghiệp? ai đứng ra quản lý? Nhà nước không có bộ phận quản lý, theo dõi, doanh nghiệp lúc khó khăn không biết kêu ai.
Tận thu khi doanh nghiệp gặp khó khăn Trong lúc khó khăn thế này mà nhiều nơi còn treo băng rôn khẩu hiệu “tận thu thuế của doanh nghiệp”. “Tôi thấy rất phản cảm, ngắt lá mà ngắt cả đọt thì cây chết luôn”, Đại diện sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Nghệ An nói. |
Hiện tại ở Nghệ An, có đến 40% coi như tê liệt, 30% hoạt động “chập chờn”. Sản xuất cả nước vẫn gặp khó khăn, trong khi Chính phủ nói quan tâm mà vẫn không thấy giải pháp cụ thể .
Phó giám đốc sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc Đại Văn Giới cũng khá bức xúc nói, hiện nay sản xuất kinh doanh rất bi đát, không thể hồng được. Ông Giới cho biết đã đi khảo sát ở công ty Honda , thực tế là sản, xuất giảm gần 18%, tiêu thụ giảm 50%, thậm chí có tháng không bán được xe nào. Việc này ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách của địa phương. Hiện nay Vĩnh Phúc cũng tập trung cứu doanh nghiệp nhưng cái khó nhất vẫn là ông ngân hàng.
Điểm mấu chốt được nêu ra lúc này vẫn là các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn từ ngân hàng.Tuy nhiên, buổi thảo luận bị ngắt quãng khi thứ trưởng Thu gọi đại diện của Ngân hàng Nhà nước nhưng không thấy ai đứng lên.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: