Đại Lý vốn được biết đến trong “Thiên long bát bộ” (Kim Dung), vẫn còn lưu giữ nhiều nét cổ kính của trăm năm trước.
Từ Côn Minh đến Đại Lý quãng đường 360km liên tục có tàu các chuyến trong ngày và xe buýt tuyến. Khu thành cổ nhỏ thấp thoáng những mái nhà với kiến trúc đá và gỗ, nằm dựa lưng vào dãy Thương Sơn và nhìn ra phía hồ Nhĩ Hải rộng lớn đón khách ghé thăm bằng một cổng chào cổ kính rêu phong.
Toàn bộ con đường trong thành được lát đá hoa cương đi cùng hệ thống suối chảy róc rách hai bên đường bảo đảm nhiệm vụ thoát nước cho toàn con phố.
Những ấn tượng về thành Đại Lý bắt đầu với nhiều ngôi nhà mang lối kiến trúc cổ, mái cong, bậc thềm đá hoa cương, câu đối đỏ dán hai bên thành cửa gỗ đã sẫm màu, những chiếc sân lát đá, cổng vào hình bán nguyệt, chậu hoa, cây kiểng và cả những chiếc ghế cổ kính trong sân...
Những con phố được lát đá hoa cương sạch sẽ. Đại Lý cổ thành là quê hương của nhân vật Đoàn Dự nổi tiếng trong "Thiên Long bát bộ".
Trong thành cổ, chỉ có các đường bao xung quanh được phép cho ô tô qua, còn lại dành cho người đi bộ, xe đẩy và xe đạp. Bước chân trong thành cổ, người ta ngỡ như mình đang lạc vào một thời đại nào khác với thực tại, trở thành một nhân vật nào đó trong một bộ phim kiếm hiệp từ thời xa lắm.
Hai bên phố là những cửa hàng lưu niệm bán đủ các sản phẩm đặc trưng của vùng mà tiêu biểu là đá. Bên hiên nhà, cô gái người dân tộc Nạp Tây xinh xắn đang miệt mài bên khung cửi. Đường phố Đại Lý luôn lẫn trong xe đạp leng keng, tiếng người bán hàng rao món bánh bao buổi sớm và hàng tào phớ.
Những ngôi nhà ngói ống ở đây ấn tượng bởi những chiếc cổng cầu kì, những bức tranh thủy mặc ngay trên tường và những con đường được lát bằng những khối hoa cương xanh xám khiến cho bề ngoài của Đại Lý vẫn giữ được dáng vẻ từ cả trăm năm trước.
Đại Lý vẫn giữ dáng vẻ của cả trăm năm trước.
Thành cổ khi đêm về lung linh trong ánh đèn màu.
Thành Đại Lý từng có tên Diệp Du thành hoặc Tử thành. Kinh đô của dòng họ Đoàn này có tuổi đời từ năm 937 cho đến năm 1253 với vị vua sáng lập là Đoàn Tư Bình. Bức tường thành nhỏ bé này lại không bị xâm chiếm trong rất nhều năm.
Rất nhiều bộ phim truyền hình Trung Quốc đã lấy bối cảnh thành cổ này đưa vào phim, nổi bật nhất là Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung.
Mùa xuân phủ xanh những mái nhà.
Và con phố suối reo róc rách đêm ngày.
Tới con phố chính, du khách sẽ bắt gặp con suối nhỏ trong vắt bắt nguồn từ dãy Thương sơn vắt ngang thành phố. Trên thành cổ rêu phong và rộng với hai làn xe chạy qua cũng vừa, đâu đây vang vọng tiếng hò reo, tiếng gõ mõ đổi canh, tiếng cờ xí phất trận của những cuộc chiến vang dội một thời.
Từ đây, có thể ngắm nhìn tới Sùng thánh Tam tháp cổ phía xa xa, nơi đã chứng kiến trọn vẹn lịch sử của toàn thành Đại Lý. Ba ngọn tháp của ngôi chùa đã bị tàn phá sau nhiều trận động đất và được xây dựng lại sau khi bộ phim Thiên Long Bát Bộ khởi quay. Ngôi chùa có diện tích rộng hơn cả thành cổ này được mở cửa cho khách tham quan vào các dịp Lễ, Tết hàng năm. Đây cũng chính là nơi các vị vua của thành Đại Lý chọn là nơi tu hành sau khi từ giã ngôi vị.
Từ Thương Sơn nhìn xuống Đại Lý và hỗ Nhĩ Hải tuyệt đẹp.
Tam tháp nổi tiếng của thành Đại Lý.
Điểm cao nhất để ngắm nhìn được toàn cảnh là núi Thương Sơn. Dãy núi cách thành cổ chưa đầy 1 km. Từ đây, phóng tầm mắt tới hồ Nhĩ Hải, hồ nước ngọt lớn thứ ba Trung Quốc.
Đại Lý khiến người khách một lần đi qua lại muốn ghé lại thêm một lần nữa. Không ồn ào náo nhiệt, không có những ánh đèn đủ màu sắc hay những tiếng nhạc ồn ã. Cuộc sống dung dị và nhẹ nhàng dường như chỉ đi lướt nhẹ qua thành phố này. Bốn mùa xuân hạ thu đông đều mát mẻ với hoa và nắng.