Thiết bị máy móc, vật tư thi công bị bỏ ngay tại công trường nhiều tháng trời.
Sông Cầu chảy qua thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên có chiều dài khoảng 20km, độ dốc không quá lớn, ngoài chức năng cung cấp, thoát nước còn có nhiều giá trị cần được khai thác hiệu quả.
Mặt khác, thành phố Thái Nguyên cũng cần mở rộng không gian đô thị, biến sông Cầu thành “trục” như một điều tất yếu để phát triển theo định hướng đô thị sinh thái, hiện đại và có bản sắc.
Thành phố hiện vẫn phát triển lệch về một bên sông, quay lưng ra sông, quá trình quy hoạch xây dựng đô thị từ nhiều năm trước có những khiếm khuyết nhất định. Do vậy, cần thiết phải có những dự án đầu tư quy mô, trong đó điểm nhấn là các cây cầu cứng vượt sông, nhằm khai thác tiềm năng, giá trị kinh tế, đô thị hai bờ sông Cầu mà bấy lâu nay còn bỏ ngỏ.
Từ yêu cầu tất yếu đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã đưa định hướng phát triển đô thị hai bên bờ sông Cầu vào Nghị quyết, sau đó được hiện thực hóa bằng Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu với 9 dự án thành phần.
Đây là một trong những đề án quan trọng, không chỉ đáp ứng lòng mong mỏi từ lâu của người dân địa phương mà còn đảm bảo chiến lược phát triển đô thị thành phố theo hướng bền vững. Đề án ra đời nhằm đạt nhiều mục tiêu, trong đó quan trọng nhất chính là giải bài toán chỉnh trị dòng sông Cầu, bảo đảm an toàn phòng, chống lũ lụt khu vực hai bên bờ sông thuộc địa bàn thành phố Thái Nguyên và các huyện: Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình.
Mục tiêu tiếp theo là thay đổi diện mạo đô thị hai bên sông, tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ. Đồng thời, phát huy khả năng tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Khát vọng là vậy, nhưng vấn đề đặt ra là nguồn lực để thực hiện cũng là thách thức không nhỏ, khi ngân sách địa phương thì không thể đáp ứng nên Thái Nguyên đã mời gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) và Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 là nhà đầu tư trúng thầu.
Một viễn cảnh về 5 cây cầu với quy mô lớn, kiến trúc đẹp bắc qua sông Cầu, 20km hai bên bờ sông Cầu và suối Mo Linh được xây dựng đê, kè và đường. Đường dọc hai bên bờ sông, đoạn hẹp nhất được xây dựng rộng 7,5m, đoạn rộng nhất là 27m với cảnh quan đẹp; Phía dưới đường, dòng sông Cầu sẽ được nạo vét, cải tạo môi trường để phát triển du lịch… đã được vẽ ra.
Cùng với việc tự ý thi công một số đoạn kè với lý do thử nghiệm, nhà đầu tư cũng sốt sắng tìm các đối tác tư vấn để “vẽ” dự án tại các khu đất “vàng” mà địa phương dự định đối ứng.
Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, ngày 23/7/2018, UBND thành phố Thái Nguyên cũng đã tổ chức hội nghị ký kết hợp đồng BT với liên danh Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 –T&G và Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Sông Cầu đối với 03 dự án thành phần thuộc đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên (gồm: Dự án Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bờ Hữu sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên; Dự án Xây dựng hệ thống kè chống sạt lở đê hai bên sông và xây dựng 3 bến thuyền tại thượng lưu cầu Quang Vinh, cầu Gia Bảy và thượng lưu đập Thác Huống; Dự án Xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông hai bên bờ sông Cầu).
Nhiều thiết bị vứt ngay trên mặt đê cũ.
Thế nhưng, “người tính không bằng trời tính”, quan điểm thực hiện các dự án BT thay đổi khiến ý tưởng “mỡ nó rán nó” từ phương án “đổi đất lấy hạ tầng” bị phá sản. Bên cạnh đó, những thủ tục về đầu tư cũng còn nhiều vướng mắc, thậm chí trái với quy định hiện hành… nên sau khi có sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ nửa cuối năm 2019, các dự án thuộc Đề án trọng điểm này đã dừng hẳn thi công. Việc rút lui “không kèn không trống” của các nhà thầu đã để lại cho công trường thi công một khung cảnh hoang tàn mà những ai có dịp đi qua đều thấy xót xa.
Theo đó, hàng trăm thiết bị máy móc (chủ yếu là máy xúc, máy ủi…) để dọc công trường không có dấu hiệu được chăm sóc bởi cỏ cây mọc đã che lấp nhiều. Đến cả những thiết bị máy móc được đưa vào sân văn phòng cũng có dấu hiệu của sự xuống cấp. Phần sắt thép han gỉ, lốp cao su xẹp lép, nứt toác…
Máy thi công bị cỏ mọc lấp kín.
Đến cả những thiết bị máy móc được đưa vào sân văn phòng cũng có dấu hiệu của sự xuống cấp.
Phải nói rằng, chủ trương phát triển đô thị hai bên bờ sông Cầu khu vực thành phố Thái Nguyên là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện đã và đang cho những bài học lớn về công tác chỉ đạo, quản lý đầu tư xây dựng từ việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, đến việc nghiên cứu thực tế, chính sách áp dụng phù hợp…
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Vậy tương lai của Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu sẽ ra sao khi mà ý tưởng về khu hành chính mới của tỉnh sẽ vẫn chỉ là bản quy hoạch được vẽ ra như đã từng có một quy hoạch dịch chuyển về phía Tây thành phố?
Thực khó có câu trả lời ngay lúc này. Nhưng theo những nhà quản lý, thì việc đó không phụ thuộc vào bạn, vào người dân mà phụ thuộc vào chính các nhà thầu và sự quyết liệt của những người lãnh đạo tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay.
Còn nhớ, cách đây đúng 1 năm, ngày 4/12/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên có cuộc họp với các Sở, ngành liên quan và UBND thành phố Thái Nguyên để đánh giá tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc Đề án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu.
Tại cuộc họp này, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị các Sở, ngành và UBND thành phố Thái Nguyên sau khi có kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại các trình tự thủ tục theo đúng quy định của pháp luật; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch thực hiện các bước tiếp theo, thời gian hoàn thành trong tháng 12/2019.
Đến nay, chưa có Kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ, đồng nghĩa, tất cả vẫn phải “bỏ hoang” theo “đại dự án” này.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: