Tại Hà Nội, những dự án mở đường giao thông, đặc biệt thuộc 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) thường kéo dài nhiều năm vì ách tắc GPMB. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng này là giá đất bồi thường thấp hơn nhiều lần so với giá chuyển nhượng thực tế ở các khu vực bị thu hồi đất. Chẳng hạn, tại một dự án giao thông trên địa bàn quận Ba Đình, một hộ trong diện di dời than rằng: “Nhà tôi trong ngõ, chỉ được nhận giá bồi thường trên 20 triệu đồng/m2. Căn nhà 50m2 chỉ có giá hơn 1 tỷ đồng, quá thấp so với giá thị trường (gần 100 triệu đồng/m2). Tất nhiên, chúng tôi cũng được mua căn hộ tái định cư với giá Nhà nước, thấp hơn thị trường nhưng vẫn quá ít ỏi so với việc mất đi căn nhà 50m2 giữa trung tâm Hà Nội...”.
Tại cuộc họp mới đây về cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhắc đi nhắc lại yêu cầu, “các sở, ngành, quận, huyện phải vận dụng tối đa các quy định của Trung ương theo hướng có lợi nhất cho người bị thu hồi đất”. Đặc biệt, tại những vị trí giá đất thu hồi do TP quy định chưa sát với thực tế, các quận, huyện được phép kiến nghị để liên ngành TP xem xét, điều chỉnh.
Tăng kịch khung
Theo tinh thần chỉ đạo này, nhiều quận, huyện đã kiến nghị với thành phố nâng mức bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất để đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án giao thông. Chẳng hạn, tại dự án xây dựng đường Thạch Bàn (từ đê sông Hồng tới đường Nguyễn Văn Linh), Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đỗ Huy Chiến đã kiến nghị TP điều chỉnh theo hướng áp dụng giá đất bồi thường bằng 1,5 lần giá đất do TP quy định, tức tăng 50%. Đây là khu vực đất đai có khả năng sinh lời cao nên để tăng tốc GPMB, cần tăng giá bồi thường cho phù hợp.
Tại dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, ở những vị trí đất trong diện thu hồi có giá chuyển nhượng cao hơn mức giá do TP quy định, UBND huyện Sóc Sơn đề xuất điều chỉnh giá bồi thường đất ở nông thôn, tăng tới 8 lần. Cụ thể, mức giá đề xuất tại xã Tân Dân từ 500.000 đồng/m2 (giá do TP quy định) lên 4 triệu đồng/m2. Còn tại các vị trí 1 Quốc lộ 2 và Quốc lộ 35, huyện đề xuất điều chỉnh giá bồi thường từ 2,6 triệu lên 10 triệu đồng/m2. Sau khi xem xét, liên ngành thành phố cũng chấp thuận việc tăng giá bồi thường nhưng đề nghị mức tăng ít hơn, 1,5 triệu đồng/m2 (tại xã Tân Dân) và 3,12 triệu đồng/m2 (với Quốc lộ 2 và Quốc lộ 35).
Tương tự, tại dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải 2.000 tấn ngày/đêm thuộc tại Khu Liên hiệp xử lý Nam Sơn, UBND huyện Sóc Sơn đề nghị UBND TP điều chỉnh giá bồi thường từ 350.000 đồng lên 2 triệu đồng/m2, tức tăng hơn 5 lần, để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tuy vậy, sau khi xem xét, liên ngành TP chỉ chấp thuận kiến nghị điều chỉnh lên mức 866.000 đồng/m2, tức tăng hơn 3 lần. Trước đó, UBND TP cũng đã chấp thuận tăng 20% giá bồi thường, hỗ trợ đất tại dự án mở rộng đường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng). Đây đều là các mức tăng “kịch khung” trong thẩm quyền của TP Hà Nội.
Còn nhiều hạn chế
Liên quan tới vấn đề định giá đất bồi thường, ông Bùi Ngọc Tuân, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển Quỹ đất (Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ TN-MT) thừa nhận, vẫn còn hạn chế trong việc triển khai, thực hiện định giá đất thu hồi. Thực tế, một số địa phương vẫn áp dụng bồi thường theo bảng giá đất, thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Chính vì thế, tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai chưa giảm.
Cũng theo ông Bùi Ngọc Tuân, nguyên nhân của tình trạng này là do một số địa phương không chịu điều tra để xác định lại giá đất mà vẫn áp dụng giá đất theo bảng giá cũ. Bên cạnh đó, ở các địa phương, các định giá viên chuyên nghiệp rất thiếu. Do đó, trong quá trình điều tra, khảo sát, xây dựng bảng giá đất, chất lượng của báo cáo định giá còn có nhiều hạn chế. Hệ quả tất yếu là giá đất trong định giá thu hồi nhiều nơi chênh lệch nhau, gây ra sự bất công. Đại diện Bộ TN-MT cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai sắp tới sẽ tập trung khắc phục những bất hợp lý này.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: