Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Di sản hỗn hợp của Abe
Việc ông Abe từ chức gây sốc vào ngày 28-8 vì lý do sức khỏe đã làm chao đảo thị trường tài chính, với chỉ số chứng khoán Nikkei giảm 2,5% và đồng yên tăng so với USD.
Bởi chỉ vài ngày trước đó, vị lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shinzo Abe đã lập kỷ lục là thủ tướng tại vị lâu nhất Nhật Bản, với gần 8 năm cầm quyền kể từ khi ông tái đắc cử vào tháng 12-2012, và chính ông đã nổi tiếng với lời kêu gọi các nhà đầu tư tại Sở giao dịch chứng khoán New York năm 2013: “Hãy mua Abenomics của tôi” (có nghĩa là chính sách kinh tế của Abe).
Dựa trên “3 mũi tên” kích thích tài chính, tiền tệ và cải cách cơ cấu, ông Abe đã tìm cách khởi động nền kinh tế Nhật Bản sau 2 thập niên suy thoái, giảm phát sau khi bong bóng kinh tế Nhật Bản bị vỡ vào những năm 1990.
Được hỗ trợ bởi một “bazooka” tiền tệ khổng lồ do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khai hỏa, Abenomics đã đẩy cổ phiếu Nhật Bản tăng cao cùng với lợi nhuận doanh nghiệp, giúp tăng lương và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục gần 2%, cùng với tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Chỉ số trung bình chứng khoán Nikkei tăng gần gấp 3 lần, từ xấp xỉ 8.000 điểm lên mức cao nhất 26 năm khoảng 24.000 điểm.
Ông Abe cũng giành được sự ủng hộ từ các nhà đầu tư nhờ những cải cách thân thiện với thị trường, chẳng hạn việc giới thiệu bộ quy tắc quản lý và giám sát đầu tiên của Nhật Bản, mang lại cho cổ đông tiếng nói lớn hơn và cổ tức bắt buộc cao hơn.
Trong chính sách thương mại, ông Abe đã thành công việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay cả khi không có sự tham gia của Mỹ, đồng thời ký một số hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Mỹ và các quốc gia khác như Australia.
Đáng chú ý, tăng trưởng GDP của Nhật Bản dưới thời Abe cao hơn Khu vực đồng tiền chung châu Âu và Anh, gần bằng Mỹ, sau khi được điều chỉnh theo dân số trong độ tuổi lao động, theo Capital Economics. Chiến lược gia châu Á của Morgan Stanley, Jonathan Garner, mô tả những thành tựu của ông Abe có quy mô tương tự thành tựu của các nhà lãnh đạo cải cách của những năm 1980 như Ronald Reagan (Mỹ), Margaret Thatcher (Anh) và không có khả năng bị đảo ngược.
Nhưng rồi nền kinh tế Nhật Bản đã suy thoái trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, do tác động của việc tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10-2019. Chính sách “Womenomics” của Abe đã không thể tạo ra sự thay đổi đáng kể ở các cấp cao nhất của doanh nghiệp và chính phủ. Trong khi một danh sách dài các cải cách cơ cấu, bao gồm thay đổi thị trường lao động, bãi bỏ quy định cạnh tranh và tư nhân hóa vẫn còn tồn đọng.
Dù vậy, khi được hỏi về di sản của Abe, Jesper Koll (cố vấn cấp cao của Quỹ đầu tư WisdomTree), đã chỉ ra việc tái tạo niềm tin quốc gia của ông này: “Khi Abe lên nắm quyền, Nhật Bản đang ở đáy vực. Có tuyệt vọng, có vỡ mộng, có giảm phát. Nhưng ông ấy đã mang lại niềm tin vào hệ thống… Đó là khả năng kéo chính phủ lại với nhau, để các doanh nghiệp lớn, tài chính, truyền thông và các nhà kỹ trị cùng làm việc của ông Abe”.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.
Suga sẽ điều chỉnh chính sách đi đúng hướng
Là con trai của một nông dân trồng dâu ở vùng nông thôn tỉnh Akita, ông Suga đã tiếp quản chức vụ cao nhất của quốc gia mà không có sự hậu thuẫn của triều đại chính trị gia đình như ông Abe. Tuy nhiên, thời gian dài nổi bật với tư cách là người phát ngôn chính của Abe, đã giúp ông có được sự công nhận của công chúng.
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua nội bộ LDP để thay thế ông Abe, ông Suga tuyên bố cải cách quy định là chương trình nghị sự của ông. Ông nói trong một cuộc họp báo: “Trong suốt 7 năm 8 tháng với tư cách là Chánh văn phòng nội các, tôi nhận thấy khi các chính sách chậm được triển khai, thường do chủ nghĩa phân quyền của các quan chức và xu hướng bám sát tiền lệ”.
Ông Suga coi số hóa là một trong những cải cách lớn đầu tiên, thành lập một cơ quan mới để đảm bảo bộ máy hành chính chuyển đổi sang kỹ thuật số. Nhà lãnh đạo mới cũng làm tăng cổ phiếu ngân hàng khu vực sau khi nhận xét: Nhật Bản có quá nhiều ngân hàng khu vực, dẫn đến suy đoán về làn sóng sáp nhập trong lĩnh vực đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, ưu tiên trước mắt của ông Suga là ứng phó với Covid-19 và làm việc chăm chỉ để đưa nền kinh tế đi đúng hướng.
Các cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế mới để hỗ trợ sự phục hồi của đất nước đã được bắt đầu, cùng với các luật quan trọng khác bao gồm thỏa thuận đối tác kinh tế Nhật Bản-Anh. Đội hình Nội các của ông Suga cũng chỉ ra sự tiếp nối của Abenomics, với việc giữ lại các bộ trưởng chủ chốt, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Aso Taro.
Mũi tên thứ ba
Tuy nhiên, ngoài những cải cách vi mô trên, Suganomics có thể mang lại cho Nhật Bản sự thúc đẩy năng suất cần thiết?
Trong số những người lạc quan có John Vail, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Nikko Asset Management, người đã mô tả ông Suga có thể là Thủ tướng ủng hộ cuộc cải cách “Mũi tên thứ 3” nhất trong lịch sử Nhật Bản.
“Hơn bất cứ điều gì khác, cam kết cải cách lâu dài của ông ấy và khả năng thực hiện điều đó, là những gì Suga nổi tiếng, ngoài đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn chính sách của ông ấy" - Vail nói và gợi ý Suga sẽ được hưởng lợi nếu không quá lo lắng về việc thay đổi hiến pháp - yếu tố có thể đã khiến ông Abe đưa ra những cải cách không được lòng dân.
Naoki Kamiyama, chiến lược gia trưởng tại Nikko Asset Management, cũng nhận thấy ông Suga tập trung vào các vấn đề của ngành hơn là các vấn đề vĩ mô. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ không thay đổi, vì các vấn đề vi mô là ưu tiên của chính quyền mới.
“Từ quan điểm của các nhà đầu tư, cải cách quản trị công ty cũng rất quan trọng và điều này sẽ tiếp tục… Những điều này sẽ không chậm mà sẽ tiếp tục diễn ra như thời chính quyền Abe” - Kamiyama nói.
Capital Economics không mong đợi cải cách thị trường lao động lớn dưới thời Suga, do hệ thống “việc làm trọn đời” đang tiếp tục phổ biến đối với những người lao động thường xuyên. Tuy nhiên, Capital Economics cho rằng ông Suga có thể ghi dấu ấn của mình trên các lĩnh vực khác.
“Dù chính sách kinh tế dưới thời Thủ tướng Suga sẽ không đi quá xa con đường Abenomics, nhưng có một số lĩnh vực có thể có những thay đổi đáng kể. Suganomics có thể bao gồm việc tái tổ chức khu vực ngân hàng nhanh hơn nhiều, nhập cư cao hơn và mức lương tối thiểu tăng mạnh hơn” - nhà kinh tế Nhật Bản Tom Learmouth nhấn mạnh trong một nghiên cứu ngày 15-9.
Nhiệm kỳ lãnh đạo LDP của ông Suga sẽ kéo dài đến cuối tháng 9-2021, với cuộc bầu cử Hạ viện sẽ diễn ra vào tháng 10-2021. Mặc dù ông đã gợi ý không có kế hoạch cho cuộc bỏ phiếu sớm trong thời điểm hiện tại, áp lực có thể tăng lên để kiểm tra mức độ ủng hộ của ông. Koll tin rằng nhà lãnh đạo mới có thể đang chuẩn bị cho người kế nhiệm của mình.
“Suga 71 tuổi nhưng nếu bạn nhìn vào Nội các ông ấy đang chuẩn bị cho thế hệ chính trị gia tiếp theo và đây là những người ở độ tuổi 50. Thí dụ, Chánh văn phòng nội các mới được bổ nhiệm, Kato Katsunobu là một nhà quản trị tài ba” - Koll nói.
Tuy nhiên, với việc đại dịch coronavirus toàn cầu tiếp tục gây thiệt hại về người và kinh tế, nhà lãnh đạo mới có rất ít thời gian để tận hưởng sự vươn lên dẫn đầu bất ngờ của mình.
Nếu chính sách Abenomics là gói kinh tế vĩ mô dựa trên “3 mũi tên” bao gồm nới lỏng tiền tệ, kích thích tài chính và cải cách cơ cấu, thì “ba trụ cột” của chính sách "Suganomics" sẽ là phiên bản nâng cấp di sản của người tiền nhiệm Shinzo Abe.
Việt Nam quan trọng nhất
Việc Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga chọn Việt Nam là điểm công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức, cho thấy "Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng nhất đối với Nhật Bản trên thế giới".
Trong số 30 công ty Nhật Bản được lựa chọn để được trợ cấp để tăng cường sản xuất ở Đông Nam Á, 15 công ty đã chọn Việt Nam để thành lập hoặc mở rộng kinh doanh, và đây là bằng chứng cho thấy các công ty Nhật Bản đang ngày càng quan tâm đến việc kinh doanh tại Việt Nam.
Một số công ty bán lẻ Nhật Bản như Uniqlo và Muji đang tìm cách mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Trong tháng 10, chuỗi cửa hàng dược phẩm và mỹ phẩm lớn nhất Nhật Bản Matsumoto Kiyoshi đã thành lập cửa hàng đầu tiên tại TPHCM.
Chuỗi bán lẻ lớn nhất Nhật Bản AEON cũng coi Việt Nam là thị trường trọng điểm và có kế hoạch có 25 trung tâm thương mại tại nước này vào năm 2025, với vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD. Nishitohge Yasuo, Giám đốc điều hành AEON Việt Nam, cho biết lợi thế của Việt Nam là tăng trưởng GDP cao và dân số đông (lên đến 100 triệu người vào năm 2025) với thu nhập tăng. Trong khi đó, tỷ lệ diện tích bán lẻ hiện đại trên đầu người của Việt Nam hiện thấp hơn các quốc gia khác.
Dữ liệu từ Goldman Sachs cho thấy Việt Nam có chi phí lao động cạnh tranh, với mức lương tối thiểu ở Hà Nội và TPHCM là 190USD/tháng so với 360USD ở Thượng Hải của Trung Quốc. Một số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết cũng có thể giúp Việt Nam tránh được tác động của chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên thế giới, từ đó trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các nhà sản xuất đa quốc gia. Đường biên giới chung với Trung Quốc cũng là một lợi thế.
Những yếu tố này là lý do tại sao các công ty Nhật Bản ngày càng gia tăng sự hiện diện của họ tại Việt Nam. Nước này đã có 4.600 dự án đầu tư trực tiếp đang hoạt động tại Việt Nam tính đến tháng 9-2020, với tổng vốn đăng ký gần 60 tỷ USD, đứng thứ hai sau Hàn Quốc. Một báo cáo năm ngoái của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho thấy, 66% doanh nghiệp Nhật Bản đang kiếm lợi nhuận tại Việt Nam và 64% có kế hoạch mở rộng sự hiện diện của họ ở nước này.
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam kết thúc hôm 20-10, Thủ tướng Nhật Bản Suga phát biểu ý định tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam bằng cách ký 12 thỏa thuận thúc đẩy quan hệ kinh tế, môi trường, cơ sở hạ tầng công cộng, y tế, nông nghiệp và năng lượng…
2 nước đã đồng ý khởi động lại các chuyến bay 2 chiều trong tương lai gần và thực hiện một “đường lối kinh doanh” cho phép các giám đốc điều hành và công nhân đi lại mà không có thời gian cách ly 14 ngày với điều kiện họ tuân theo một số biện pháp phòng ngừa Covid-19 nhất định.
----------
(*) Có nghĩa là chính sách kinh tế của tân Thủ tướng Suga Yoshihide và chính sách kinh tế của Shinzo Abe.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: