Nhà hát Thành phố hiện nay
Những biệt thự này đã được Sở QH-KT TPHCM, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cùng các cơ quan liên quan chọn lựa sau nhiều năm nghiên cứu, đánh giá. Không chỉ vậy, việc số hóa các công trình này để có cơ sở, căn cứ bảo tồn hiệu quả hơn cũng đang được triển khai.
Nhà hát Thành phố - công trình đầu tiên
Tuần qua, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận và Giám đốc Nhà hát Thành phố Hữu Luân đã xem đơn vị tư vấn Portcoast trình chiếu báo cáo kết quả số hóa toàn bộ công trình kiến trúc Nhà hát Thành phố. Một công việc mà theo ông Hứa Ngọc Thuận là “hết sức hữu ích”, vì đây là một trong những kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn - TPHCM. Những tài liệu số hóa sẽ giúp ích rất lớn cho công tác quản lý, bảo tồn Nhà hát Thành phố.
Nhà hát Thành phố được xây dựng vào năm 1898 và hoàn thành vào năm 1900. Công trình từng được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, nhưng từ sau năm 1975 được trả lại chức năng ban đầu là nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TPHCM, UBND TPHCM đã cho tu bổ Nhà hát Lớn với phương châm bảo tồn phong cách kiến trúc ban đầu một số trang trí, điêu khắc nổi ở mặt tiền nhà hát, như tượng nữ thần, các hoa văn… Năm 2007, TPHCM trùng tu, tân trang lại một số bộ phận của Nhà hát như mái ngói, ghế ngồi, gạch lát nền… Từ đó đến nay, Nhà hát Thành phố là một trong những biểu tượng về kiến trúc, văn hóa của TPHCM và là nơi diễn ra rất nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn, thu hút đông đảo người dân thành phố tới xem.
Theo những người thực hiện số hóa Nhà hát Thành phố, ý tưởng này được hình thành trong bối cảnh có sự cố đáng tiếc: cháy Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp). Và chúng ta cũng lưu ý đến lo lắng trước đây của ông Hữu Luân: Nhà hát lớn TPHCM đã 120 tuổi, dù được trùng tu nhưng nhiều bộ phận vẫn đang xuống cấp. Chúng có đứng vững trước sự khắc nghiệt của thời gian và dòng chảy của phát triển khi mà các tuyến metro ở gần đó đi vào vận hành?
Tâm tư như vậy, nên những người có trách nhiệm và những người tâm huyết với các công trình kiến trúc có giá trị đã thống nhất với đơn vị tư vấn Portcoast - tư vấn công trình đầu tiên của Việt Nam tiếp thu, làm chủ được công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực số hóa các công trình kỹ thuật, nghiên cứu và thực hiện số hóa Nhà hát Thành phố.
Thực hiện số hóa Nhà hát Thành phố, Portcoast đã áp dụng công nghệ H-BIM (quy trình chi tiết quản lý thông tin, vật liệu, kết cấu hình học, lịch sử của di sản). Quy trình này giúp tái tạo di sản trong trường hợp bị hư hỏng, biến mất hoặc quản lý di sản trong giai đoạn vận hành hoặc bảo trì. Các bước để thực hiện H-BIM là thu thập tất cả tài liệu liên quan tới nhà hát. Từ tổng quan bên ngoài tới tầng hầm bên trong, sân khấu, sàn diễn, khán phòng, mái vòm, các chi tiết kiến trúc, phù điêu, ghế ngồi cho tới kết cấu công trình. Sau đó, xử lý dữ liệu bằng các phần mềm chuyên dụng như Autodesk Revit, Context Capture của Bentley…Và sản phẩm của quá trình này không chỉ đơn thuần là các bản vẽ 2D, 3D của công trình, mà là mô hình số giúp nhà quản lý nắm đầy đủ thông tin cần thiết về công trình.
Áp dụng rộng rãi, tại sao không?
Cách nay 4 năm, 2 ngôi biệt thự có tuổi đời gần 100 năm trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) và Lý Tự Trọng (quận 1) bị chủ nhà tháo dỡ, đã để lại không ít nuối tiếc cho người dân. Tuy nhiên, do không còn cơ sở để khôi phục lại nên cơ quan chức năng đành phải chấp thuận cho chủ nhân ngôi biệt thự ở quận 1 tháo dỡ hoàn toàn luôn căn biệt thự. Ngay sau đó, UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo các sở ngành chức năng sớm hoàn thiện quy chế quản lý các công trình kiến trúc có giá trị để những sự việc đáng tiếc như vậy không xảy ra nữa.
Nhắc lại chuyện cũ trong thời điểm hiện nay, không ít kiến trúc sư đã nhận định: “Giá như công trình này được số hóa theo quy trình H-BIM thì việc khắc phục những hư hỏng do bị tháo dỡ trái phép đã có thể được thực hiện. Ngôi biệt thự hình bánh ú rất đặc trưng của kiến trúc Nam bộ nằm trên đường Lý Tự Trọng có lẽ đã có số phận khác”.
TPHCM đã có quyết định phân loại các biệt thự để có cơ sở bảo tồn. Theo đó, trong hơn 150 biệt thự được chọn (đợt 1 và đợt 2) để quản lý, bảo tồn có 52 biệt thự thuộc nhóm 1, 75 biệt thự thuộc nhóm 2 và 24 biệt thự thuộc nhóm 3. Đối với biệt thự cũ thuộc nhóm 1, phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao. Đối với biệt thự cũ thuộc nhóm 2, phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài. Đối với biệt thự cũ thuộc nhóm 3, thực hiện theo các quy định của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.
Các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2 có trách nhiệm không được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu của biệt thự cũ. Không được phá dỡ biệt thự cũ nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo kết luận kiểm định của Sở Xây dựng. Trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại thì phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của biệt thự cũ. Không được tạo thêm kết cấu để làm tăng diện tích hoặc cơi nới, chiếm dụng không gian bên ngoài biệt thự cũ.
Theo các chuyên gia, bên cạnh các công cụ quản lý hành chính Nhà nước hiện nay về các công trình kiến trúc có giá trị này, thì việc áp dụng công nghệ vào quản lý sẽ giúp ngành chức năng có thêm công cụ để thực hiện chức trách tốt hơn. Và chủ nhân các công trình kiến trúc ấy cũng có căn cứ để sửa chữa, trùng tu đúng theo hiện trạng ban đầu mà Nhà nước đã có quy định.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: