Với tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, dự án mở rộng sân bay Cát Bi là một trong số các dự án phát triển giao thông trọng điểm của TP Hải Phòng.
Theo VOV đưa tin, ông Vũ Duy Mật- Phó Giám đốc Cảng hàng không Cát Bi cho biết, sau 10 tháng kể từ ngày khởi công Dự án (19/3/2013), các công việc đang được triển khai từ GPMB, thẩm tra, phê duyệt thiết kế dự toán các các hạng mục công trình, nhà thầu...
Riêng việc thi công sân đỗ đang thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, ưu tiên trước 2 vị trí đỗ mới để phấn đấu hoàn thành xây dựng, nghiệm thu cấp phép đưa vào sử dụng trong tháng 4/2014.
Trong thời gian qua, các Nhà thầu đã huy động trên 80 máy đào, máy ủi, máy lu, máy san, ô tô vận tải để thi công và hoàn thành trên 1 triệu m3 đào nền, đắp cát.
Mô hình Cảng hàng không quốc tế Cát Bi
Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Cát Bi được hình thành từ 2 dự án thành phần, trong đó dự án đầu tư xây dựng khu bay được Chính phủ giao cho TP.Hải Phòng là cấp quyết định đầu tư, Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng được giao nhiệm vụ quản lý dự án.
Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi sẽ là Cảng hàng không quốc tế cấp 4E theo quy định của ICAO, sản lượng vận chuyển hành khách 2 triệu lượt người/năm, tương đương 800 hành khách/giờ cao điểm.
Sau khi hoàn thành dự án, cùng với hệ thống đường hàng hải, đường hàng không từ sân bay Cát Bi, Hải Phòng được kỳ vọng sẽ trở thành địa phương kết nối sức mạnh giao thông quốc tế đến với khu vực và trên thế giới.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh, hiện nay, 5 sân bay quốc tế Phú Bài (Huế), Cam Ranh (Nha Trang), Liên Khương (Đà Lạt), Phú Quốc và Cần Thơ đều đang ế ẩm.
Cuối năm 2009, Liên Khương đã được nâng cấp và xây dựng nhà ga mới với hai ga quốc tế và quốc nội riêng biệt, có khả năng đáp ứng 1,5 - 2 triệu khách mỗi năm. Nhưng trên thực tế, tới thời điểm này, khả năng khai thác các chuyến bay quốc tế từ sân bay này vẫn bỏ ngỏ.
Sân bay Phú Quốc chỉ đón khách nội địa
Tương tự, cuối năm 2012, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cũng chính thức khánh thành, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng, có khả năng đón hơn 3 triệu lượt khách/năm. Là sân bay xây mới hoàn toàn, đều được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, ngay cả các chuyến bay nội địa, số lượng hành khách qua sân bay cũng chỉ mới đạt xấp xỉ 1/4 công suất thiết kế.
Mặc dù vậy, một số sân bay khác cũng đang tính tới việc nâng cấp thành sân bay quốc tế như sân bay Vinh (Nghệ An), Cát Bi (Hải Phòng).
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không thì việc nâng cấp sân bay Vinh do nhu cầu thị trường lớn nên Vietnam Airlines đề nghị mở đường bay Vinh - Viêng Chăn (Lào).
Trước đó, cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với sân bay cấp 4F (phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế FAO), công suất mỗi năm tiếp nhận khoảng 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa.
Theo Quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có chức năng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trên thế giới, tiếp nhận được các máy bay A380-800 hoặc tương đương. Dự kiến tiến độ, trong các năm từ 2011-2014 sẽ là giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thu xếp tài chính.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay, dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (CHKQT) cũng được các chuyên gia và dư luận đánh giá là không cần thiết "quá sớm vì không hiệu quả kinh tế".
Song, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng lập luận rằng, phải tiếp tục đầu tư mở rộng để đảm bảo sân bay Long Thành sẽ thay thế CHKQT Tân Sơn Nhất, trở thành CHKQT quan trọng nhất của khu vực phía Nam, là CHKQT lớn nhất toàn quốc và là trung tâm trung chuyển hành khách của khu vực theo tiêu chuẩn quốc tế, với công suất 80-100 triệu khách/năm.