Ảnh minh họa: Internet |
Chống rửa tiền phải đảm bảo đầu tư
Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng chống rửa tiền sáng 15/11, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo ngại Việt Nam sẽ trở thành trung tâm rửa tiền của tội phạm quốc tế bởi hệ thống thanh tra, kế toán, kiểm soát giao dịch chưa tốt. Vì vậy, việc ban hành Luật Phòng chống rửa tiền là rất cần thiết, song cần xác định đúng đối tượng để phòng, chống có hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP.HCM) phát biểu: “Không loại trừ tội phạm quốc tế coi những nước đang phát triển như nước ta là nơi rửa tiền qua hình thức đầu tư bất động sản, chứng khoán, khách sạn… Còn rửa tiền qua ngân hàng thì rất ít. Đây là lý do hơn 6 năm qua, từ khi thành lập Cục Phòng chống rửa tiền, chưa vụ rửa tiền nào bị phát hiện”.
Tuy nhiên, cũng nhiều đại biểu lo ngại, không cẩn thận, những quy định khắt khe về phòng, chống rửa tiền sẽ làm các nhà đầu tư e ngại khi làm ăn tại Việt Nam. Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cảnh báo: “Chúng ta phải lường trước những mặt trái nếu dự luật này ra đời, bởi khi đó các giao dịch sẽ bị kiểm soát”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cũng cho rằng, Luật Phòng, chống rửa tiền cũng phải được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo các hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư. Vì vậy, phải cân nhắc cẩn thận các nội dung liên quan đến quyền cơ bản của công dân, quyền bí mật, riêng tư của cá nhân, vì đây là quyền đã được Hiến pháp bảo vệ.
Theo một số đại biểu Quốc hội, không nên đặt mục tiêu chống rửa tiền bằng mọi giá mà làm cản trở đến hoạt động kinh doanh, đầu tư. Siết chặt quản lý giao dịch phải đi đôi với các quy định bảo vệ những nhà đầu làm ăn minh bạch, tránh việc lợi dụng phòng, chống rửa tiền để làm khó người dân, doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) còn lưu ý, cần có quy định rõ ràng về bí mật khách hàng trong một số ngành như ngân hàng, luật… để các ngân hàng, các luật sư đóng góp nhiều hơn vào công tác phòng, chống rửa tiền.
Cơ quan phòng chống rửa tiền nên độc lập
Một trong những nội dung được các đại biểu tranh luận nhiều nhất trong phiên thảo luận về Dự án Luật Phòng chống rửa tiền là cơ quan phòng chống rửa tiền nên trực thuộc bộ nào. Theo đề xuất của Chính phủ, cơ quan này nên trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, nên để cơ quan này độc lập hoặc trực thuộc Bộ Công an là hợp lý.
Theo đại biểu Đỗ Văn Dương (TP.HCM), người rửa tiền là tội phạm. Vì vậy, cơ quan chủ trì nên giao cho Bộ Công an, NHNN chỉ nên tham gia phối hợp. Trên thế giới có 4 mô hình về cơ quan phòng chống rửa tiền, thì cũng có tới 3 mô hình trực thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thực tế, 6 năm qua, Cục Phòng chống rửa tiền (NHNN) cũng không phát hiện ra vụ rửa tiền nào, trong khi Bộ Công an phát hiện hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến tiền tệ.
Tán thành ý kiến này, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cũng cho rằng, ngân hàng chỉ phát hiện ra những giao dịch đáng ngờ, là nơi cung cấp thông tin ban đầu, còn xác minh, điều tra phải là cơ quan công an.
Về mức giá trị giao dịch phải báo cáo, Dự án Luật không quy định cụ thể, mà chỉ quy định có tính nguyên tắc giao dịch “có giá trị lớn” và giao cho NHNN quy định mức cụ thể. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại, nếu quy định tiêu chí “giá trị lớn” thì khách hàng sẽ chia tài sản có giá trị lớn ra thành nhiều khoản nhỏ để giao dịch.
Liên quan đến các nội dung chống khủng bố, hiện các đại biểu vẫn có 2 luồng ý kiến trái ngược. Đại biểu Cao Sĩ Kiêm cho rằng, nên đưa cả quy định chống tài trợ khủng bố vào Dự luật, vì đây là 2 hoạt động liên quan chặt chẽ với nhau. Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP.HCM) lại có quan điểm ngược lại khi nhận định, tài trợ khủng bố không chỉ bằng rửa tiền bẩn mà còn bằng tiền sạch. Hơn nữa, Dự án Luật Phòng, chống khủng bố dự kiến cũng sẽ được Quốc hội cho ý kiến ngay trong năm 2012.