Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan xung quanh đề xuất cho phép người nước ngoài sở hữu, kinh doanh nhà ở không giới hạn trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được thảo luận.
Resort ven biển đang rơi vào tay nhà đầu tư ngoại
Bà Lan cho rằng, hầu hết resort ven biển đã vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, ở ngay các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, những khu đất vàng cũng đã bị nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm...
“Nếu cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia không hạn chế, trong lúc nhà đầu tư nội khó khăn như hiện nay, thì các dự án ở địa điểm trọng yếu sẽ rơi vào tay nước ngoài”, bà Lan quan ngại.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đình Chiến, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội lại lưu ý tới những khu vực nhạy cảm như khu vực biên giới, cạnh khu căn cứ quân sự, các trung tâm chính trị lớn, thì không nên để người nước ngoài kinh doanh và sở hữu.
Do đó, việc cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài kinh doanh bất động sản (BĐS) phải tính toán, nghiên cứu cẩn thận. Không thể hoàn toàn không kèm theo điều kiện gì.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đồng ý với quan điểm là mở, tuy nhiên ông cho rằng "mở nhưng phải có chế tài quản lý".
Bên cạnh đó, không ít chuyên gia ủng hộ việc cho phép người nước ngoài sở hữu, kinh doanh BĐS không giới hạn. Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, có người lo chính sách này sẽ làm xuất hiện tình trạng đầu cơ, gây bong bóng BĐS, nhưng thực tế cho thấy, chúng ta mở từ năm 2009 đến giờ mà vẫn chưa đáp ứng được 1/4 lượng cầu.
“Đừng sợ chuyện sốt giá BĐS, vì khi chưa có chính sách này, thị trường đã từng sốt rồi. Để tránh bong bóng, phải thay đổi chính sách thuế, cơ chế quản lý dân cư, rồi quản lý thị trường giữa khu vực chính thức và không chính thức…”, ông Võ nói.
Với ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc lại cho rằng, BĐS không thể mang vác đi đâu được, nên xem xét để người nước ngoài đầu tư vào phân khúc cao cấp - phân khúc đang tồn kho nhiều nhất.
Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư BĐS Việt Nam
Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện tại có 252 dự án có vốn FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 2 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ hai với 5 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là hơn 392 triệu USD.
Riêng trên địa bàn Tp.HCM, lĩnh vực BĐS đứng đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 302,3 triệu USD, chiếm 41% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư trên địa bàn. Phần lớn các dự án BĐS thu hút vốn ngoại là du lịch, khu resort nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại và nhà ở thuộc phân khúc trung cao cấp.
Theo một công ty tư vấn, rất nhiều doanh nhân đến từ các nước Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc... đang rất muốn làm chủ các dự án BĐS Việt Nam. Bên cạnh đó, không ít các công ty từ Trung Đông và Nga cũng muốn góp vốn vào thị trường BĐS ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM.
Một số nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc cũng quan tâm và muốn đầu tư nhiều vào Việt Nam, vì giá BĐS của Việt Nam hiện rẻ hơn so với Trung Quốc.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam nhận xét, "Năm 2014 chúng tôi nhận thấy tiềm năng khá lớn từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc... Tuy nhiên, chính là nhà đầu tư đến từ Trung Quốc mới có thể tâm điểm của mọi chú ý. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều các yêu cầu mua lại các dự án bất động sản từ Trung Quốc", ông Troy Griffiths cho biết.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: