Thưa ông, hiện TP.HCM có khoảng bao nhiêu dự án, khu vực quy hoạch “treo”. Những khu vực “treo” thường rơi vào những khu vực, dự án nào?
Trước hết, thuật ngữ “quy hoạch treo” là cách gọi của người dân và dư luận xã hội, chứ trong chuyên môn chúng tôi gọi những khu quy hoạch này là những khu vực quy hoạch không khả thi hoặc thiếu tính khả thi. Theo thống kê sơ bộ từ phản ánh của người dân, toàn thành phố có khoảng 28 khu vực quy hoạch không khả thi lớn như: Khu Bình Quới- Thanh Đa (Bình Thạnh), khu đô thị Sin-Việt (Bình Chánh), hồ sinh thái Vĩnh Lộc (Bình Chánh), khu An Phú Hưng (Hóc Môn), khu Mã Lạng (quận 1), khu Ấp Voi (quận Gò Vấp)… Tuy nhiên, để có con số cụ thể chính xác phải chờ kết quả từ đợt tổng điều tra, rà soát về các dự án, khu vực “treo” sẽ kết thúc vào cuối tháng 12/2012.
Những căn nhà xây cất tạm bợ ở khu bán đảo Bình Quới-Thanh Đa.
Những khu vực quy hoạch “treo” thường rơi vào những quy hoạch dự án như: khu vực cây xanh, khu vực công trình công cộng (trường học, bệnh viện, nhà văn hóa…), khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp tập trung và những khu vực đầu mối hạ tầng kỹ thuật như nhà ga, bến xe, bến bãi, khu xử lý nước thải, tuyến đường giao thông…
Để giải quyết, tháo gỡ những khu vực quy hoạch không khả thi này, UBND TP đã có những giải pháp gì?
TP đang đề ra các giải pháp và những chính sách để tháo gỡ khó khăn nhằm hài hòa lợi ích của người dân - chủ dự án - Nhà nước. Sự giải quyết này dựa trên nguyên tắc: Chúng ta là người nhà nước, chúng ta có quyền quy hoạch nhưng cũng không có quyền xâm phạm nhà dân.
Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến nay, thành phố đang tập trung cao độ về giải quyết quy hoạch “treo” bằng các biện pháp, trong đó đang thực hiện biện pháp tăng cường công tác rà soát quy hoạch và nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân trong khu vực quy hoạch “treo”. Theo đó, UBND cũng đã yêu cầu các sở, ngành như Sở Tài nguyên - môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - kiến trúc nghiên cứu chính sách, nếu cái nào vượt quyền hạn của thành phố thì kiến nghị lên Trung ương, Chính phủ để ban hành những chính sách, nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống người dân; đồng thời tạo điều kiện để sau này chủ dự án hoặc Nhà nước khi có điều kiện kinh tế, tài chính vẫn thực hiện được dự án.
UBND TP cũng đã ban hành kế hoạch 5100 để rà soát lại các dự án “treo” và kỳ họp lần 6 của HĐND TP vừa qua cũng ban hành nghị quyết 16, đồng thời UBND TP cũng vừa ban hành chỉ thị 24 liên quan đến giải quyết quy hoạch “treo”. Với ba chỉ đạo trên, thành phố thành lập tổ công tác liên ngành gồm có các sở, ngành có liên quan và UBND các quận, huyện để tiến hành tổng rà soát các khu vực trên toàn thành phố. Từ đầu tháng 12, tổ công tác liên ngành này đã làm việc trực tiếp với các quận, huyện để tiến hành công tác tổng rà soát. Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn vì toàn thành phố có khoảng 6.226 đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 trong đó đang lập điều chỉnh 102 đồ án quy hoạch và có 198 đồ án lập mới, cho nên việc thực hiện rà soát không thể thực hiện một sớm một chiều. Tính đến nay, các quận, huyện đã có báo cáo về những khu vực “treo” nhưng báo cáo chưa đầy đủ, chưa có đánh giá, kiến nghị. Do đó, nhiệm vụ của tổ công tác này sẽ tổng rà soát, đánh giá, kiến nghị dựa trên những đánh giá, kiến nghị của các quận, huyện và của người dân, sau đó trình UBND TP. Vì vậy, tổ công tác này xác định làm tích cực khẩn trương cho đến 31/12 sẽ hoàn thành công việc.
Sau khi rà soát các khu vực quy hoạch “treo”, thành phố cần làm gì để tháo gỡ triệt để các điểm quy hoạch “treo” này?
Cái quan trọng trong việc khắc phục các quy hoạch “treo” là Nhà nước phải có chính sách nhà đất tốt đối với người dân trong khu vực này. Chẳng hạn như có thể cho phép người dân đang ở khu quy hoạch được sang nhượng, mua bán, thế chấp nhà đất, sửa chữa xây dựng bình thường như các khu vực không nằm trong quy hoạch… Tuy nhiên, giải quyết quy hoạch “treo” là một bài toàn khó, phải thực hiện làm sao để hài hòa được giữa việc phát triển quy hoạch đô thị, chỉnh trang đô thị, hài hòa với quyền lợi của người dân. Nhà nước muốn làm gì thì làm nhưng phải ban hành được những chính sách hạn chế tối đa ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân.
Theo ông, việc quy hoạch phát triển đô thị của TP.HCM hiện nay đang thực hiện như thế nào để thời gian tới không còn những khu quy hoạch “treo”?
Việc phát triển kinh tế xã hội và phát triển thành phố hiện nay căn cứ vào quy hoạch xây dựng đô thị. Trong đó, quy hoạch xây dựng đô thị là định hướng về phát triển không gian, về chức năng sử dụng đất, tổ chức công trình mạng lưới hạ tầng kỹ thuật... Như vậy, quy hoạch đô thị được đặt hàng bởi quy hoạch phát triển xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Hay nói cách khác là những quy hoạch ngành, xã hội, lĩnh vực đặt hàng cho quy hoạch xây dựng đô thị để biến thành không gian đô thị, làm động lực phát triển những quy hoạch kinh tế - xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực đó.
Hiện thành phố đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt quy hoạch chung thành phố đến 2025. Đây là quy hoạch chung (quy hoạch cấp trên) làm cơ sở để triển khai các quy hoạch cấp dưới. Theo đó, đặc điểm quy hoạch của thành phố là mỗi quận, huyện có một quy hoạch, lập trên quy hoạch chung của thành phố. Mỗi quận, huyện lại có một quy hoạch chi tiết 1/2000, hay còn gọi là quy hoach phân khu, rồi từ đó có nhiều đồ án 1/2000. Trên cơ sở những đồ án 1/2000 để xác định lập các dự án đầu tư, lập quy hoạch chi tiết 1/500.
Thành phố hiện cũng đã quy hoạch được nhiều khu đô thị mới, chẳng hạn khu Nam thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc TP (Hóc Môn- Củ Chi), khu công nghệ cao, các khu công nghiệp tập trung… Đặc biệt TP đang có đề án nghiên cứu khá sâu điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 khu trung tâm thành phố với diện tích 930 ha. Đây là đề án chỉnh trang đô thị và làm cho không gian, cảnh quan đô thị khu trung tâm khang trang hơn, tốt hơn, phát triển hài hòa, chứ không phát triển tự phát như hiện nay.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: