Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN) |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhận định vùng Thành phố Hồ Chí Minh gồm 8 tỉnh thành là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và tỉnh Tiền Giang. Đây là vùng kinh tế phát triển nhất cả nước và theo quy hoạch vùng, trong tương lai đây sẽ là vùng kinh tế động lực hàng đầu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á.
Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay vùng Thành phố Hồ Chí Minh là khu vực dẫn đầu cả nước về đóng góp GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như những yếu tố xã hội khác. Cụ thể, thu ngân sách của vùng chiếm 60% so với cả nước và kim ngạch xuất khẩu chiếm 70% cả nước.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2020 đạt từ 9,5-10%/năm, đến năm 2015 GDP bình quân đầu người đạt 4.600 USD và năm 2020 đạt 6.400 USD.
Theo quy hoạch vùng Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu phát triển vùng là phát huy vai trò vị thế, tiềm năng của vùng theo mô hình tập trung đa cực với Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân và hướng tới là một đô thị phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế; phát triển cấu trúc không gian toàn vùng là cửa ngõ giao thương quốc tế và là trung tâm kinh tế hàng đầu của quốc gia.
Hệ thống đô thị sẽ được phát triển trên toàn vùng, liên kết hỗ trợ giữa các vùng đô thị đặc biệt, hình thành các vùng đô thị đối trọng với các cực phát triển là các đô thị hạt nhân, kết nối với vùng đô thị trung tâm theo các trục hành lang kinh tế đô thị.
Các dự án chiến lược có tầm ảnh hưởng, có sức lan tỏa sẽ được hình thành và thúc đẩy phát triển vùng; xây dựng cơ chế quản lý và kiểm soát phát triển không gian xây dựng toàn vùng có hiệu quả.
Với quy hoạch trên, đến năm 2020 quy mô dân số của vùng Thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 20-22 triệu người và diện tích đất tự nhiên toàn vùng sẽ là 30.400km2.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù quy hoạch xây dựng vùng đã được công bố từ năm 2009, tuy nhiên vẫn chưa có được sự thống nhất chung trong quy hoạch của từng địa phương. Hiện nay ở các địa phương vẫn mạnh ai nấy làm, không có được mối liên hệ tổng thể của vùng. Nhất là sau 4 năm công bố quy hoạch vùng, hiện vẫn chưa có một “nhạc trưởng” điều hành cho toàn vùng.
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng cái khó là hiện nay vẫn chưa có chính quyền vùng, do đó việc điều hành chưa được thống nhất, mỗi tỉnh quy hoạch theo một kiểu.
Đại diện lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh việc cần có được sự thống nhất và quy hoạch chung để các địa phương có thể quy hoạch xây dựng theo mô hình của vùng.
Theo Bộ Xây dựng, đến thời điểm hiện nay, cấu trúc không gian phát triển đô thị của vùng bước đầu cũng đã được hình thành; các trục, hành lang phát triển kinh tế gồm: trục Quốc lộ 51, hành lang quốc lộ 1A, hành lang quốc lộ 13, 14, 22 tuyến xuyên Á và hành lang quốc lộ từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận việc di cư tập trung vào Thành phố Hồ Chí Minh đã dẫn đến quá tải về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đô thị. Thêm vào đó, các dự án công trình đầu mối hạ tầng khung của vùng chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu liên kết vùng. Việc xây dựng nhà ở cho công nhân còn chậm và thiếu so với nhu cầu phát triển của khu công nghiệp; quy hoạch xây dựng các vùng nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp và du lịch chưa tập trung đầu tư đúng mức, dẫn đến mất cân bằng trong phát triển bền vững giữa đô thị-nông thôn...
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: