Tại buổi giám sát UBND TP của thường trực HĐND TP ngày 19-11, các đại biểu vẫn còn tỏ ra lo lắng, quan ngại vì quyền lợi của người dân trong quy hoạch vẫn chưa thực sự được đảm bảo.
Có tất cả chỉ thiếu tiền bồi thường
Khu đô thị Nam TP, khu E (một trong năm khu A, B, C, D, E) đi qua địa bàn quận 8 và Bình Chánh với hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng, từ khi quy hoạch được duyệt đến nay đã gần 20 năm nhưng việc bồi thường vẫn chưa kết thúc. Thậm chí vẫn chưa xác định được ai sẽ là người bỏ tiền ra để tiếp tục thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Trở lại khu vực này, phóng viên gặp bà Huỳnh Thị Kiều, sống tại đường Hoàng Đạo Thúy, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh. Bà Kiều cho biết 50 năm bà sống trong khu vực này thì đã có gần phân nửa thời gian sống trong quy hoạch “treo”. “Bao nhiêu lần chuẩn bị tâm lý di dời nhưng đến nay chẳng thấy được bồi thường. Nhà cửa, đường sá thì xập xệ, xuống cấp, đời sống người dân ở đây chẳng biết bao giờ mới hết khổ” - bà Kiều nói.
Người dân trong khu E, khu đô thị mới Nam TP phải chịu sống trong cảnh đường sá xuống cấp, nhà cửa xập xệ nhiều năm nay
Phía huyện Bình Chánh cho biết địa phương này có 81 ha nằm trong khu E, gần 700 hộ dân bị ảnh hưởng nhưng đến nay vẫn chưa có phương án bồi thường do chưa xác định được Phú Mỹ Hưng hay là Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) chi trả.
Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND, cung cấp thông tin hiện có 52 hồ sơ có quyết định bồi thường nhưng không có tiền chi trả khiến cho người dân rất bức xúc.
Ông Võ Trung Trực, Hội đồng Thẩm định bồi thường TP cho biết trước đó TP đã ứng tiền ngân sách để hỗ trợ cho quận 8 chi trả một phần cho người dân. Mới đây, các cơ quan đã thống nhất trong khi chờ đợi, IPC còn một số nền đất bố trí tái định cư sẽ xin TP cho phép hoán đổi cho người dân, hoặc bán để lấy tiền chi trả cho các hộ có quyết định bồi thường nhưng việc này hiện cũng đang chờ TP quyết.
Người dân chưa thật sự yên tâm
Hai trường hợp nêu trên chỉ là đơn cử của tình trạng người dân đang bị kẹt trong quy hoạch “treo”. Hiện còn rất nhiều trường hợp người dân bức xúc vì phải sống trong khu vực quy hoạch “chậm”.
Cụ thể như hơn 100 hộ dân ấp 4 và ấp 6, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè khốn khổ vì quy hoạch trận địa phòng không từ năm 1979 đến nay nhưng Sư đoàn 367, Quân chủng phòng không - không quân suốt 36 năm không hề đăng ký cắm mốc hay đặt biển báo quân sự, cũng không bồi thường cho dân.
Tại Củ Chi, dự án Trung tâm viện trường y tế tại xã Phước Hiệp cũng có quyết định thu hồi đất từ năm 2007 với gần 300 hộ dân bị ảnh hưởng. Quyết định thu hồi đất có từ năm 2007-2008 nhưng đến 2013 vẫn không triển khai bồi thường. Hiện nay, huyện Củ Chi đã ra quyết định thu hồi, hủy bỏ các quyết định thu hồi đất đã ban hành trước đó. Tuy nhiên, “do triển khai từ năm 2007 nên người dân không có kế hoạch sản xuất, đất bỏ hoang hóa, sản xuất không hiệu quả. Nguyện vọng của người dân là Nhà nước thực hiện dự án, bồi thường để lấy tiền trang trải hoặc chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống”, ông Đông thông tin.
Quy hoạch treo, mọi thứ đếu... treo theo
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho rằng từ sau Nghị quyết 16, TP đã ban xóa “treo” 564 dự án, điều chỉnh hàng trăm đồ án quy hoạch, ban hành chính sách về việc xây dựng trong khu quy hoạch, nhưng dù “các văn bản chỉ đạo của TP đã có hết, vấn đề là cách tổ chức thực hiện vẫn chưa tốt, chưa làm cho người dân hiểu được”, ông Tín nói.
Từ khi có Nghị quyết 16 đến nay, có hàng trăm dự án bị hủy bỏ văn bản chấp thuận đầu tư nhưng mới chỉ có bốn nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ để tiếp tục thực hiện dự án. Phần còn lại là không đủ năng lực để tiếp tục thực hiện hoặc chờ Nhà nước đầu tư hạ tầng mới triển khai. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: