Tốc độ phát triển nóng của Hà Nội hiện nay đang khiến cho quỹ đất bề mặt gần như bị vắt kiệt.
Cộng với tình trạng DN bất động sản ồ ạt xây dựng các toà cao ốc chọc trời càng làm cho không gian đô thị bí bách. Việc hướng tới khả năng tận dụng chiều sâu đô thị vì thế được tính đến, song còn mang tính cục bộ. Vấn đề khai thác không gian ngầm (KGN) không thể thực hiện tùy tiện mà cần có quy hoạch, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng tầm nhìn xa.
Nhận thức được tính cấp bách của quy hoạch không gian ngầm (QHKGN), phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội xoay quanh vấn đề này.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
Vấn đề đang được quan tâm gần đây là phát triển KGN để giảm gánh nặng cho quỹ đất bề mặt, cũng như xây dựng đô thị văn minh. Tuy nhiên, hiện nay ở Hà Nội dường như còn nhiều "khoảng trắng" khi bàn về khai thác KGN. Vậy theo ông, thời điểm này có phù hợp để chúng ta nhìn nhận lại vai trò của QHKGN một cách đầy đủ?
- Thực tế trong phát triển đô thị vừa qua đã có không ít công trình có KGN, có những tuyến KGN như hệ thống cống ngầm, cấp nước, thoát nước, đường dây cáp điện, bãi đỗ xe ngầm, các bể kỹ thuật. Song nhìn chung hầu hết đều mang tính cục bộ, chỉ khai thác cho một mục đích riêng chứ chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị. Với thực tế như vậy, việc quản lý cũng thiếu tầm nhìn dài hạn và chưa có định hướng tổng thể.
Trong phát triển đô thị, nhất là với các đô thị nén, đa cực, đã có quá trình lịch sử phát triển như Hà Nội thì khai thác KGN cho cải tạo, tái thiết là xu hướng tất yếu để khai thác hiệu quả tài nguyên và phát triển bền vững. Đây cũng là giải pháp tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết được áp lực khi mật độ xây dựng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho bảo tồn di sản đô thị, cảnh quan văn hóa, giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường sinh thái.
Khi đã là xu thế phát triển bền vững thì rất cần có định hướng và công cụ quản lý. QHKGN là bước đi cần thiết đầu tiên cần xác lập sau Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt, chúng ta đã đặt vấn đề và có kế hoạch lập QHKGN Hà Nội, song đây là loại hình quy hoạch mới liên quan đến đa ngành chịu tác động của không gian trên mặt đất và mức độ tăng trưởng kinh tế - xã hội. Do vậy cần có những phương án có bước đi thích hợp, lựa chọn bài học kinh nghiệm của nước ngoài và ứng dụng khoa học kĩ thuật hiện đại.
Nội dung QHKGN từ góc nhìn của một KTS, theo ông phải giải quyết được những yêu cầu cấp bách nào?
- QHKGN đô thị là tổ chức không gian xây dựng dưới mặt đất bao gồm tầng hầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, công trình đường dây, đường ống kĩ thuật, công trình đầu mối kỹ thuật, hào, cống bể kỹ thuật.
Theo quy định hiện hành, quy hoạch KGN có hai loại: Quy hoạch chung KGN được lập cho đô thị và Quy hoạch chi tiết KGN được lập cho một khu vực đô thị hoặc một chuyên ngành kỹ thuật.
Ở đây nội dung của quy hoạch chung về KGN phải giải quyết được các yêu cầu: Dự báo nhu cầu phát triển; Phân khu vực để xây dựng công trình ngầm; Xác định rõ khu vực hạn chế, khu vực cấm xây dựng; Xác định hệ thống giao thông ngầm (Hướng tuyến, nhà ga, bãi đỗ xe,...); Xác định hệ thống hào kỹ thuật, cấp thoát nước, truyền tải điện; Xác định khu vực xây dựng công trình công cộng ngầm.
Đáp ứng được các yêu cầu trên, Thủ đô Hà Nội đã có KGN cục bộ, đã có quá trình xây dựng công trình trên mặt đất trải qua nhiều giai đoạn phát triển với độ bền vững khác nhau, hơn nữa có điều kiện địa chất thủy văn phức tạp thì rất cần có quy trình nghiên cứu thích hợp, khoa học với sự tham gia của đa ngành.
Tất nhiên, chức năng của không gian nổi và KGN cần phối hợp chặt chẽ với nhau mới làm tăng hiệu quả sử dụng cho cả hai không gian đó, đem lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường cho đô thị. Bây giờ chính là thời điểm thích hợp mà chính quyền không nên để lỡ việc xúc tiến các việc nói trên.
Trở lại vấn đề chính, nếu Hà Nội quyết liệt triển khai QHKGN, thì cần phải tháo gỡ những khó khăn gì, thưa ông?
- QHKGN là loại QHXD mới và phức tạp với nhiều thách thức. Để thực hiện QHKGN với Hà Nội, trước mắt cần phải tổng hợp đánh giá hiện trạng về xây dựng công trình trên mặt đất và KGN cục bộ đã có. Đánh giá đúng điều kiện tự nhiên, địa chất công trình, thủy văn. Đây là thách thức lớn cần điều tra, nghiên cứu với phương pháp khoa học.
Nhiều KGN còn hồ sơ lưu trữ như mạng lưới cống ngầm xây dựng từ thời Pháp thuộc, hay cải tạo xây dựng mới gần đây, mạng lưới ngầm đường dây cáp điện, thông tin hoặc KGN của một số công trình đã xây dựng trên mặt đất. Song cũng còn không ít KGN cần điều tra, tổng hợp. Làm tốt được công đoạn này không chỉ cần phối hợp từ các ngành, từ cơ quan lưu trữ mà còn cần sự tham gia của các chủ đầu tư, chủ sở hữu.
Cùng với lập QHKGN cũng phải nghiên cứu để đề xuất cụ thể các cơ chế chính sách liên quan như cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình ngầm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chính sách trả tiền thuế đất nếu xây dựng công trình ngầm nhằm mục đích kinh doanh, chính sách hỗ trợ, ưu đãi một số loại KGN để khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia đầu tư xây dựng KGN cấp bách như bãi đỗ xe ngầm , công trình đầu mối kỹ thuật ngầm hào kỹ thuật ngầm... Xây dựng được đồng bộ về cơ chế chính sách về KGN là tạo nguồn lực để QHKGN có tính thực tiễn.
Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng ngầm đô thị… Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam hiện đã khá đồng bộ song rất cần cụ thể hóa về xây dựng ngầm để tạo lập căn cứ pháp lý cho quản lý xây dựng theo QH. Để làm được rất cần bộ Xây dựng và các bộ có chuyên ngành xây dựng công nghệ ngầm phối hợp để sớm ban hành.
Nội dung QH chung KGN, nội dung QHC KGN đã được thể chế hóa cùng với Luật QH đô thị song trình tự triển khai, lựa chọn QH ưu tiên cần được các nhà quản lý xem xét để phù hợp với giai đoạn phát triển. Lựa chọn quy trình hợp lý là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng QH để phát triển trước mắt không mâu thuẫn với định hướng lâu dài.
Về tầm nhìn xa, ông có kỳ vọng gì về “không gian thứ hai của đô thị”?
- KGN đô thị không chỉ là hệ thống đường dây, đường ống, các tuyến đường tàu điện ngầm, bãi để xe, hầm đường ôtô, đường bộ mà còn có thể là những tổ hợp trung tâm thương mại, sinh hoạt công cộng, vui chơi giải trí, những công trình đa chức năng trong đó thậm chí hướng tới là nơi làm việc, nơi ở cho dân cư đô thị. Một không gian huyết mạch thứ hai nằm toàn bộ dưới lòng đất trả lại mặt bằng trên là các công viên, cây xanh và các khu vực vui chơi giải trí.
Như vậy, công trình ngầm đô thị là tiền đề tạo ra các KGN đô thị, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đô thị. Với xu hướng phát triển đô thị, với những yêu cầu cấp bách hiện nay (nhất là về giao thông) cho thấy rất cần có bước tiến mới về QHKGN và sớm có QH chung được ban hành, có như vậy mới tạo lập được đô thị phát triển bền vững.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức cũng cần nhận thấy có những thuận lợi là đã có QHC được phê duyệt,có định hướng về xã hội hóa phát triển đô thị và sự quyết liệt của các cơ quan, các nhà quản lý.
Xin cảm ơn ông!