Khi làm quy hoạch, cần phải đứng trên góc độ lợi ích chung của đô thị, chứ không phải của nhà đầu tư hoặc những nhóm lợi ích hoặc cá nhân nào khác.
Đường Lê Văn Lương, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Trao đổi với PV Tiền Phong về giải pháp khắc phục hạn chế trong quy hoạch Hà Nội, nhất là với khu vực nội đô lịch sử, KTS Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, cho rằng, thành phố cần có nhiều giải pháp mạnh, tạo các điểm hút người dân ra bên ngoài, tránh tình trạng dồn dân vào nội đô.
Ông Đỗ Viết Chiến cho biết: Từ năm 1981 đến năm 1998 quy hoạch Hà Nội 3 lần được phê duyệt điều chỉnh và gần đây nhất là năm 2009 Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung phát triển Thủ đô Hà Nội sau khi Hà Nội mở rộng. Tính đến tháng 12/2016, cả nước có hơn 800 đô thị. Những đô thị lớn đang tạo ra sức hút rất mạnh về lao động, tạo thành những dòng di cư cơ học vào các thành phố. Trong khi đó chúng ta chưa kiểm soát được di cư cơ học.
Thưa ông, về góc độ quy hoạch, Hà Nội đang gặp phải vấn đề gì?
Hà Nội đã có khá đầy đủ các công cụ như quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, thiết kế đô thị, quy chế quản lý. Tuy nhiên, thành phố đang thực sự gặp nhiều thách thức trong tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo mục tiêu quy hoạch đặt ra.
Tôi lấy ví dụ như ngay từ năm 1992 trong quy hoạch chung Hà Nội được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt đã có cụm từ “vùng hạn chế phát triển” chính là 4 quận nội thành cũ. Nếu giữ được 80 vạn dân thì diện tích đất bình quân đầu người cũng mới chỉ đạt 45m2/người, tức là dưới 50% so với mức bình quân chung của Hà Nội. Thực tế không những không giữ được ở mức 80 vạn dân mà đã tăng vượt trên 1,2 triệu dân vì mật độ nhà cao tầng quá lớn.
Hà Nội tiếp tục cấp phép xây chung cư cao tầng trong khu vực hạn chế phát triển. Phải chăng thành phố đang đi ngược lại quy hoạch mà Thủ tướng phê duyệt, thưa ông?
Thực ra, nếu chúng ta cứ nói cấp phép xây cao tầng là đi ngược lại quy hoạch là không đúng. Tôi ví dụ như Singapore hầu hết là nhà cao tầng nhưng vẫn không hề làm mất đi các chỉ tiêu khác khi phát triển vườn trong thành phố, cân đối được khả năng chịu tải của hạ tầng. Vấn đề đặt ra là đi liền với cấp phép cao tầng thì hạ tầng có được đầu tư, phát triển tương xứng.
Vừa qua thành phố đã kiểm tra nhiều dự án cao tầng và khẳng định về chỉ tiêu hạ tầng phù hợp. Vậy có điều gì bất thường ở đây không, thưa ông?
Cứ thống kê số dân là chúng ta có thể thấy rõ hết. Chỉ khi dân số giảm đi thì mới cải thiện được chỉ tiêu, diện tích hạ tầng trên đầu người. Dân số càng tăng lên mà đất đai chỉ có thế thì làm sao có thể giữ được chỉ tiêu quy hoạch?
Thực ra điều đó chỉ nói với người ngoài nghề quy hoạch thôi chứ nói với người trong nghề người ta “đọc vị” ra ngay! Vì khi tôi làm ở Sở QHKT Hà Nội thì cũng đã biết rồi. Vì sao có những dự án “lách” được các quy định này là vì khi tầng cao tăng, diện tích sàn tăng thì phải tìm mọi cách giảm dân số nên mới có những “căn hộ hai người” khi dùng “kỹ xảo” đẩy diện tích bình quân m2 trên đầu người lên.
Tuy nhiên điều này không xảy ra trên thực tế vì người ta lấy nhau không thể cấm sinh đẻ. Sau này nếu đưa nhà vào sử dụng dân số tăng cao thì biết đâu có người lại giải thích “tôi chỉ duyệt như thế tăng lên ông phải chịu”. Đây là cách mà nhiều dự án vẫn thường lách.
KTS Đỗ Viết Chiến.
Thưa ông, nhiều dự án cao ốc khi phê duyệt đã sử dụng định hướng quy hoạch trong tương lai để làm căn cứ triển khai. Điều này có phù hợp với thực trạng hạ tầng?
Vừa qua tôi thấy kết luận của Thủ tướng về vấn đề này là thoả đáng. Nếu thành phố chưa giải được bài toán về hạ tầng thì hãy khoan nói câu chuyện cao tầng.
Như vậy sẽ có những khu đất rất đẹp có giá trị thương mại cao nhưng buộc phải hạn chế cao tầng?
Với nhà đầu tư thì vị trí khu đất rất quan trọng nhưng với người quản lý đô thị thì không phải là câu chuyện một nhà đầu tư mà có hàng nghìn nhà đầu tư trong tay và hơn thế còn hàng triệu dân đang trông cậy vào nhà quản lý. Do đó, cần phải điều hoà các nhu cầu khác của đô thị và người “cầm chịch” phải đứng trên góc độ lợi ích chung của đô thị chứ không phải đứng trên góc độ của ông này hay của ông kia.
Như tôi đã nói mục tiêu đặt ra đã rất rõ, nếu không thực hiện được thì phải kiến nghị điều chỉnh lại. Trong khi đó, Hà Nội vẫn giữ nguyên các chỉ tiêu đó dẫn đến chiến lược một đằng chiến thuật một nẻo.
Theo ông, công việc ưu tiên mà Hà Nội cần làm để khắc phục hạn chế nêu trên là gì?
Thủ tướng quy định khu vực hạn chế phát triển thì cần hạn chế đến đâu cơ quan quản lý phải biết. Đằng này không hạn chế mà có khi lại còn khuyến khích nhiều hơn. Giải phóng mặt bằng tại các khu vực nội đô rất tốn kém nên nhà đầu tư lại phải tìm cách thu lại chi phí bỏ ra. Tắc đường trên nhiều tuyến phố chỉ là biểu hiện bên ngoài, giống như sốt cao là phản ứng của cơ thể với bệnh tật. Nguyên nhân là chúng ta không kiểm soát được dân cư dồn vào nội đô. Không được tăng thêm các điểm hút dân vào bên trong vì không thể làm cầu, làm đường mãi được.
Thành phố cần tăng cường mạnh hút dân cư ra bên ngoài như khu vực dọc vành đai 4, phía bắc sông Hồng. Lúc đó người dân sẽ tự rút ra khỏi nội đô và chính quyền có thể tổ chức cải tạo lại khu vực bên trong. Phải từng bước di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện tuyến trung ương, các trường đại học ra bên ngoài…Lúc đó sẽ triệt tiêu giao thông “con lắc” khi người dân phải di chuyển quá nhiều trong ngày.
Đi kèm với đó cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời như tạo quỹ đất sạch, xây dựng cơ chế chính sách đi kèm. Không thể nhà đầu tư cứ xin đâu cũng đồng ý như hiện nay. Có những khu đất dùng ngay ngày mai nhưng cũng có những khu phải 30 năm sau, thậm chí 50 năm nữa mới cần sử dụng. Chính quyền phải cụ thể nhu cầu đầu tư cho từng khu vực, hình thành dự án để kêu gọi đầu tư.
Cảm ơn ông.