Theo đồ án, phạm vi lập quy hoạch được xác định dọc theo hai bên tuyến đường với chiều dài 55 km, chiều rộng tối thiểu mỗi bên là 2 km. Cụ thể, ranh giới nghiên cứu quy hoạch được lấy theo địa giới hành chính của 25 xã và 4 thị trấn thuộc 4 huyện thuộc TPHCM và Tây Ninh - nơi tuyến đường đi qua - với tổng diện tích của vùng lập quy hoạch là hơn 600 km2.
Dựa trên các nghiên cứu, phân tích, đánh giá, VIAP đưa ra đề xuất phân chia thành 3 phân vùng, phạm vi bắt đầu và kết thúc của mỗi phân vùng là các tuyến giao thông ngang đối ngoại với đường cao tốc, ranh giới hành chính tỉnh, thành phố, để định hướng phát triển cũng như quản lý phát triển. Cụ thể ranh giới được phân vùng như sau: (i) vùng 1 (huyện Củ Chi, TPHCM) - đoạn từ tuyến cao tốc giao đường vành đai 3 đến ranh giới hành chính tỉnh Tây Ninh; (ii) vùng 2 (huyện Gò Dầu, Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) - đoạn từ ranh giới hành chính tỉnh Tây Ninh đến sông Vàm Cỏ Đông; (iii) vùng 3: khu vực kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) - đoạn từ ranh giới sông Vàm Cỏ Đông đến biên giới Việt Nam - Campuchia.
Theo ông Tứ, trong 3 vùng dọc tuyến cao tốc này sẽ quy hoạch tám phân khu chức năng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. “Bên cạnh định hướng phát triển về không gian, kiến trúc cảnh quan và hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì các khu kinh tế cửa khẩu, các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, trạm dừng nghỉ quốc tế… sẽ được xây dựng dọc theo suốt tuyến đường”, ông Tứ nói.
Cũng theo đồ án quy hoạch này, dự báo đến năm 2020, tổng dân số trong khu vực quy hoạch là 479.111 người, năm 2030 là 1.077.400 người.
Trước đó, tháng 10-2011, Bộ Xây dựng đã phê duyệt “Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng dọc tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài đến năm 2030”. Mục đích của đồ án quy hoạch này là định hướng phát triển về không gian, kiến trúc cảnh quan và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên dọc tuyến nhằm khai thác động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Tây Ninh và TPHCM.
Tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài là một trong những hành lang phát triển kinh tế, trục đô thị hoá quan trọng của vùng, là tuyến giao thông cao tốc xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực kinh tế ASEAN (Bangkok - Phnom Penh - TPHCM). Theo quyết định của Bộ Xây dựng, 18 tháng sau khi nhiệm vụ được phê duyệt thì dự án sẽ được lập xong quy hoạch. Nhiệm vụ này được giao cho VIAP. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: