Dự án này được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt triển khai theo phương thức xã hội hóa, nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc về giao thông tĩnh trên địa bàn. Dự án có tổng diện tích khoảng 4.500 m2 đất, trong đó, hơn 2.200 m2 đất làm bãi đỗ xe (đáp ứng chỗ để hơn 200 xe ô-tô), diện tích còn lại trồng cây xanh, vườn hoa và đường.
UBND thành phố Hà Nội cũng mới có quyết định điều chỉnh chức năng từ đất trồng cây xanh, bãi đỗ xe và đất ở tại ô đất có ký hiệu IV.3B, phường Ô Chợ Dừa (quận Ðống Ða), diện tích khoảng 24.996 m2 sang đất hỗn hợp để xây dựng công trình gồm các chức năng: ga-ra ngầm - bãi đỗ xe có mái che - nhà trưng bày ô-tô - cụm rạp chiếu phim cao cấp và chung cư cao tầng. Trước đó, lãnh đạo UBND thành phố đã đồng ý xây dựng bãi đỗ xe trong Công viên Thống Nhất. Dự tính, đất dùng làm bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ như nhà quản lý, điều hành, dịch vụ... có diện tích 2.384 m2. Tổng sức chứa của bãi khoảng 339 ô-tô và 100 xe máy. Ðáng chú ý, sự việc này đã tạo luồng dư luận trái chiều không đồng ý, vì cho rằng sẽ phá vỡ cảnh quan, môi trường trong công viên. Tuy nhiên, theo giải thích của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc đỗ xe trên mặt bằng chỉ nên mang tính chất tạm thời, đến giai đoạn nhất định sẽ hoàn trả lại diện tích cây xanh, thảm cỏ, tiểu cảnh.
Giải thích thì vậy, nhưng vẫn chưa thể chắc chắn trong tương lai, khi chúng ta nhớ lại, năm 2003, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 165/2003/QÐ-UB liên quan vấn đề quy hoạch, phát triển bãi đỗ xe. Theo đó, đến năm 2020, trên địa bàn bảy quận sẽ có 34 điểm/bãi đỗ xe công cộng với tổng diện tích 205.838 m2; tổng diện tích sàn đỗ 381.752 m2 với sức chứa 13.588 xe. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đã xuất hiện những "lình xình" quanh câu chuyện chuyển đổi chức năng sử dụng đất. Ðiển hình, quy hoạch điểm đỗ xe Tràng Thi. Nếu được xây dựng, công trình này sẽ thay thế một loạt các điểm đỗ đang sử dụng lòng đường, vỉa hè quanh đó như Quang Trung, Ðinh Lễ, Nguyễn Xí, Lê Phụng Hiểu, Tông Ðản, Lý Ðạo Thành, Cố Tân, Nguyễn Khắc Cần. Không gian quy hoạch gồm 2.000 m2 đất giữa phố Tràng Thi, trước đây là đất của Xí nghiệp xe đạp Viha, sau đó bỗng biến thành vũ trường. Công luận lên tiếng, vũ trường bị dẹp bỏ, lại mọc lên một siêu thị điện máy, chứ không phải bãi đỗ xe như mục đích quy hoạch ban đầu. Hay lô đất 3.000 m2 tại 16 Phan Chu Trinh (thuộc phần đất của Nhà máy ô-tô Ngô Gia Tự) cũng từng được quy hoạch thành bãi đỗ xe nhiều tầng. Vậy mà, hiện nay, phần đất này đã được chuyển sang xây dựng công trình có chức năng văn phòng làm việc...
Vì sao phải chuyển đổi chức năng sử dụng đất? Có thể tạm chấp nhận lý lẽ rằng, đó là để phục vụ nhu cầu trước mắt. Nhưng suy cho cùng, đây là cách làm theo kiểu... lấp chỗ trống. Vào thời điểm chuyển đổi, những khu vực đó có thể chưa cần đến bãi đỗ xe, nên xây dựng ngay văn phòng, siêu thị... phục vụ nhu cầu của xã hội. Nhưng xã hội ngày càng phát triển, xe đạp, xe máy dần nhường chỗ cho xe ô-tô, xe buýt, nhìn lại thì... đất dành cho giao thông đã "cạn". Thế nên, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh ở Hà Nội hiện mới chỉ chiếm khoảng 0,72% quỹ đất xây dựng đô thị (hơn 5.676 ha). Nếu tính trên diện tích đất nội thị (hơn 8.438 ha) thì quỹ đất cho giao thông tĩnh chỉ chiếm 0,48%. Việc thiếu điểm đỗ, trong khi nhu cầu đang rất lớn, khiến hàng loạt bãi trông giữ xe tự phát mọc lên. Hậu quả, gây nên nhiều hiện tượng tiêu cực như thu phí vô tội vạ, mất cắp, lộn xộn, xe để tràn lan bên lề đường, lấn chiếm vỉa hè... vừa gây mất an ninh trật tự, vừa gây ùn tắc giao thông.
Thực tế, việc đầu tư phát triển hệ thống bãi đỗ xe cũng như chủ trương dành thêm quỹ đất cho giao thông tĩnh tại Hà Nội đã được dư luận ủng hộ. Song, để thực hiện được và đúng chủ trương, rất cần những người có tâm, không vì cái lợi trước mắt mà làm theo kiểu "lấp chỗ trống".
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: