Đất kẹt tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội Ảnh: N.Q.
Loại đất áp dụng quy định này là đất ao vườn liền kề nằm trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư; đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư đã được xác định ranh giới theo quy định, cụ thể là thuộc thửa đất lớp thứ 2 kể từ ranh giới ngoài cùng của khu dân cư. Việc xem xét cho phép chuyển các loại đất trên thành đất ở phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Người muốn chuyển từ đất nông nghiệp xen kẹt, đất ao vườn liền kề thành đất ở phải được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận vào đơn ý thức chấp hành pháp luật đất đai của họ tại địa phương từ trước tới nay.
Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp xã phải xem xét giải quyết theo đơn trong thẩm quyền, thực hiện trích lục bản đồ thửa đất. Phòng TN&MT là đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ cấp xã để thẩm định trình UBND cấp huyện quyết định cuối cùng.
Một trong những điểm lưu ý là quy định thu tiền sử dụng đất khi chuyển đổi. Hà Nội không lấy khung giá đất do thành phố ban hành hằng năm là căn cứ để thu tiền sử dụng đất khi cho phép cá nhân, hộ gia đình chuyển đổi đất xen kẹt hoặc đất ao vườn liền kề thành đất ở. Mức giá đất để tính toán nghĩa vụ tài chính cho người có nhu cầu chuyển đổi sẽ do UBND quận - huyện xác định trên cơ sở đề xuất của liên ngành Phòng Tài chính - Kế hoạch (chủ trì) cùng Tài nguyên Môi trường, Quản lý đô thị, Chi cục Thuế và UBND cấp xã có đất.
Khúc mắc về giá đất
Ngày 30-12, ông Lê Thanh Nam, Trưởng phòng Đăng ký thống kê Đất đai (Sở TN&MT Hà Nội), đơn vị soạn thảo quyết định 40, cho rằng, quy định này sẽ giải toả được bức xúc của hàng nghìn trường hợp cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu chuyển đổi đất ao vườn liền kề, hoặc đất nông nghiệp xen kẹt thành đất ở lâu nay. Thành phố quy định rõ thời gian giải quyết nhu cầu chuyển đổi của người dân đối với từng cấp phòng ban có thẩm quyền ở quận huyện. Tuy nhiên, đại diện của nhiều Phòng TN&MT lại cho rằng, quyết định 40 chỉ gỡ nút thắt ở một số điểm với đất ao vườn liền kề, còn thực tế đất nông nghiệp xen kẹt vẫn khó có cửa để chuyển thành đất ở. Một cán bộ đất đai huyện Thanh Trì nói: Nếu hiểu theo quyết định 40, tất cả trường hợp đất nông nghiệp được giao theo nghị định 64 trước đây, kể cả đất diện 5% cũng không được chuyển đổi thành đất ở. Đây là điều thiếu thực tế ở Hà Nội vì số thửa đất nằm xen kẽ trong dân cư rất nhiều. “Không thể canh tác vì thiếu hệ thống tưới tiêu, vậy để người dân làm gì với những thửa đất này trong khi tấc đất là tấc vàng ở thủ đô”, vị cán bộ này nói. Đại diện Văn phòng Đăng ký Đất đai quận Tây Hồ than vãn: So với trước đây, quy định mới hầu như không thay đổi, điểm mấu chốt là giá đất để tính tiền sử dụng đất. “Kỳ vọng tháo gỡ ách tắc giải quyết nhu cầu chuyển đất xen kẹt thành đất ở khó thành hiện thực khi mà giá đất không dựa vào khung giá thành phố ban hành hằng năm” - đại diện phía quận Tây Hồ khẳng định. Thậm chí theo lời cán bộ địa chính một số phường ở huyện Gia Lâm, nhiều người dân cho biết, nếu cứ áp giá thị trường để thu tiền sử dụng đất khi chuyển đổi, họ buộc phải chọn giải pháp vi phạm hành chính.
Theo quy định 40, người được chuyển từ đất ao vườn liền kề sang đất ở thì nộp 50% chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất theo giá đất ở với đất nông nghiệp. Nếu chuyển từ đất xen kẹt thành đất ở thì nộp tiền bằng 100% mức chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất theo giá đất ở với giá đất nông nghiệp. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: