Dự án khu du lịch sinh thái hồ Ban Mai-Sông Vàng được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa được nhà đầu tư là công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến (gọi tắt là công ty Phước Tiến) triển khai. Trong khi đó, hàng chục hộ dân thôn Éo, thôn Ban Mai 2, xã Ba, huyện Đông Giang không có đất sản xuất trồng trọt, nhà cửa xuống cấp không được quyền nâng cấp sữa chữa vì nằm trong diện tích đất quy hoạch. Người dân, chính quyền địa phương luôn thắc thỏm chờ đợi câu trả lời r
Con trai ông Nguyên bên căn nhà đổ nát của gia đình
Mất nhà 167 vì… dự án treo
Năm 2005, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt cho công ty Phước Tiến xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Ban Mai-Sông Vàng tại thôn Éo, thôn Ban Mai 2, xã Ba, huyện Đông Giang với tổng diện tích là 60ha. Sau 7 năm được phê duyệt, công ty Phước Tiến vẫn chưa tiến hành đền bù giải tỏa mặt bằng, dự án vẫn nằm im bất động. Tình trạng này khiến người dân thôn Éo, thôn Ban Mai rơi vào cảnh điêu đứng vì dự án treo. Đặc biệt là 38 hộ dân nằm trong vùng giải tỏa, họ đang thoi thóp sống qua ngày khi không có đất sản xuất, nhà cửa hư hại không được sửa chữa.
Trong số 38 hộ dân nằm trong diện quy hoạch giải tỏa, có gần 10 gia đình thuộc diện hộ nghèo. Đáng thương nhất là hộ ông Trần Ngọc Nguyên (70 tuổi, thôn Éo). Căn nhà của ông hiện đã dột nát, xuống cấp nặng nề. Mỗi khi trời mưa, nhà bị dột, nước chảy lênh láng. Năm 2011, gia đình ông được UBND xã Ba hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo theo chương trình 167. Tuy nhiên, khi khởi công xây dựng, chủ đầu tư khu du lịch sinh thái hồ Ban Mai-Sông Vàng không cho phép vì nằm trong diện tích quy hoạch, đã được kiểm kê. Bởi vậy, UBND xã đành trao suất xây dựng của gia đình ông cho người khác. "Nhà tôi có 6 người chui rúc trong căn nhà rách nát, làm bằng tranh tre này đã 7 năm qua, không biết sập đổ bất cứ lúc nào. Nhà nước cho căn nhà theo diện 167 cũng xây không được, sửa chữa lại cũng không cho. Chúng tôi ở không xong mà đi thì không biết đi đâu”, ông Nguyên than thở.
Do đất nông nghiệp đã bị thu làm dự án nên người dân không có đất sản xuất, phải đi làm thuê. Hàng chục ha keo được người dân trồng cách đây gần 10 năm đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng người dân không được thu hoạch. Ông Hoàng Chí Trung (53 tuổi, thôn Éo) bức xúc: Khi tiến hành kiểm kê tài sản trên diện tích đất thu hồi, cây keo mới chỉ được trồng 2 năm. Họ áp giá đền bù vào thời điểm đó nhưng do không tiến hành dự án, cây keo đã đến thời kỳ thu hoạch thì cần phải kiểm kê, áp giá mới cho phù hợp.
Chủ đầu tư chây ì triển khai dự án
Các hộ dân trong diện bị giải tỏa, có đất thu hồi khi triển khai dự án khu du lịch sinh thái hồ Ban Mai-Suối Vàng đều đồng tình ủng hộ dự án được triển khai. Tuy nhiên, việc dự án "treo” quá lâu, nhà đầu tư chưa tiến hành đền bù, bố trí khu tái định cư khiến họ phản ứng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Thiện, Chủ tịch UBND xã Ba cho biết: Việc Công ty Phước Tiến chậm trễ trong triển khai dự án đã gây rất nhiều bất bình cho nhân dân. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên Phòng, Sở Tài nguyên-Môi trường nhưng đến này Khu du lịch sinh thái Ban Mai-Sông Vàng vẫn chưa có động thái gì. Hàng chục cuộc họp giữa chính quyền xã, huyện, tỉnh được tổ chức nhưng chủ đầu tư nhiều lần vắng mặt. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân luôn đặt câu hỏi về thời gian triển khai dự án. Công ty Phước Tiến đã hứa với người dân sẽ chi trả tiền đến bù vào tháng 11-2011 nhưng đến nay, đã quá thời hạn 7 tháng người dân vẫn chưa được nhận tiền.
Trong khi dự án vẫn mãi không được triển khai, người dân không có đất sản xuất thì diện tích đất quy hoạch vẫn bỏ không. Trong khi đó khu tái định cư vẫn là giấc mơ xa vời, nhà cửa của dân đang xuống cấp thì một mùa mưa bão nữa lại đang cận kề. "Người dân ở đây cần câu trả lời dứt khoát từ chủ đầu tư. Một là triển khai dự án, bố trí tái định cư, hai là không để người dân ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp chứ "treo” hết năm này sang năm khác không ai chịu nổi”, ông Thiện cho biết.