Việc quản lý giá đất còn nhiều bất cập
Tại hội thảo về giá đất do Tổng cục Quản lý đất đai tổ chức mới đây tại Hà Nội, các đại biểu đều thừa nhận, quản lý giá đất hiện nay còn quá nhiều bất cập, không sát với thực tiễn. Theo ông Bùi Ngọc Tuân – Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, nguyên tắc định giá đất chưa định lượng được thế nào là “sát” với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường, chưa quy định cụ thể theo mục đích sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất…
Thực tế, khung giá đất chưa bao giờ theo kịp biến động của thị trường. Từ khi có Luật Đất đai đến nay, khung giá chỉ được điều chỉnh một lần vào năm 2007, đặc biệt có nơi khung giá đất chỉ bằng 20% giá thị trường. Mặt khác, khung giá đất chỉ quy định theo 3 vùng (đồng bằng, trung du, miền núi) nên biên độ giữa giá đất tối đa và tối thiểu có khoảng cách lớn (từ 1,5 - 81 triệu đồng/m2 đối với đất ở tại đô thị loại đặc biệt). Do đó, khung giá đất không xử lý được chênh lệch về giá tại các vùng giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng miền trong cả nước.
Hiện, bảng giá đất tại nhiều địa phương, nhất là tại các đô thị lớn, vẫn thấp hơn nhiều so với giá thị trường (chỉ bằng 30 - 60%). Chính do bảng giá đất năm sau thường cao hơn năm trước đã tạo tâm lý chờ đợi đối với người có đất bị thu hồi, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng. |
Cần hoàn thiện hệ thống chính sách
Trước thực trạng trên, Tổng cục Quản lý đất đai đang thu thập ý kiến đóng góp, để xây dựng phương pháp định giá đất mới phù hợp. Ông Olov Farnlvist- Chuyên gia Cơ quan Lập bản đồ, địa chính và đăng ký đất đai Thụy Điển – cho rằng, định giá đất cũng phải phù hợp với các quy định quốc tế. Tại Thụy Điển, số lượng các quy định đã giảm đi khi thị trường đất đai phát triển hơn nhưng lại nhiều quy định về bảo vệ môi trường hơn. Cũng theo ông Olvol: “Định giá là hoạt động chủ yếu ở địa phương. Để quản lý giá đất ở Việt Nam đạt hiệu quả, cần có sự trao đổi giữa cấp Trung ương và địa phương”.
Tuy nhiên, cũng phải tùy điều kiện thực tế để áp dụng những kinh nghiệm trong quản lý giá đất. Theo ông Phạm Văn Hùng – Trưởng phòng Quản lý đất Thanh Hóa, nếu xây dựng bảng giá đất theo lý thuyết như ở Thụy Điển theo từng thửa một, nhưng trong thực tế Thanh Hóa có 1.600.000 thửa đất, thì xây dựng thế nào? Ngay cả quy định giá đất với tùy từng loại đường, tuyến đường cũng không thể thực hiện hết được. Thanh Hóa có 637 xã phường, xây dựng sao hết được theo phương pháp đó? Nên chăng xây dựng bản đồ bảng giá đất có mục kê giá đất kèm theo? Ý kiến này đã nhận được sự đồng tình của đông đảo đại biểu dự hội thảo.
Trước những kiến nghị đưa ra, theo Phó Tổng cục trưởng Cục quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến, có những bất cập về quản lý giá đất trong thực tế, cần có cách thức tiếp cận phù hợp, các biện pháp kinh tế để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai trong thời kỳ mới. “Định giá đất để đảm bảo quyền lợi của nhà nước cũng như người dân, trong thời gian tới, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách là điều cần thiết”- ông Khuyến kết luận.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: