Hà Nội đã có nhiều dự án khu đô thị mới phục vụ nhu cầu, cải thiện điều kiện ở của người dân, tạo cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại. Ảnh: Yến Ngọc
Có thể thấy việc phê duyệt đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại chưa bám sát chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở. Nói cách khác, chưa có sự chủ động lập danh mục các dự án nhà ở thương mại để công bố gọi đầu tư. Thay vào đó, đa số dự án nhà ở thương mại được chấp thuận dựa trên đề xuất của nhà đầu tư và việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án bằng hình thức chỉ định thầu. Đã vậy, việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước không được tiến hành thường xuyên nên chậm phát hiện sai phạm của chủ đầu tư để xử lý sớm, hoặc có phát hiện sai phạm nhưng xử lý không nghiêm, không triệt để.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN-MT), qua kiểm tra có tới 352 dự án được giao đất, cho thuê đất có dấu hiệu vi phạm. Số lượng dự án nhà ở thương mại rất lớn nhưng trong các năm từ 2006 đến 2009, mỗi năm Sở Xây dựng chỉ kiểm tra 2 dự án (Năm 2012, số dự án kiểm tra: 30, năm 2013: 17, năm 2014 dự kiến là 30). Vì thế, có tình trạng như tại Khu đô thị Bắc Quốc lộ 32, trong khi chưa được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chủ đầu tư đã tự điều chỉnh xây dựng, nhưng sau khi kiểm tra, xử phạt vi phạm, chủ đầu tư được điều chỉnh quy hoạch theo hiện trạng đã xây dựng.
Có một thực tế nữa rất đáng quan ngại là việc thẩm định các dự án nhà ở thương mại chưa quan tâm sâu đến sự phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị, các công trình nhà ở chưa đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội trong khu vực. Nhiều dự án, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến nhà ở để bán, dành phần đất chưa giải phóng mặt bằng cho công trình công cộng, giáo dục, y tế… Hay tình trạng đa số các khu đô thị thiếu trạm xử lý nước thải theo quy hoạch, nước thải xả trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung; nắng nóng thiếu nước sinh hoạt, mưa lớn úng ngập cục bộ do thiếu sự kết nối hạ tầng chung của khu vực…
Ngoài tác động khách quan như điều chỉnh địa giới hành chính hay thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều dự án phải giãn tiến độ hoặc dừng triển khai thì việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với chính quyền địa phương đang có nhiều "vấn đề". Đơn cử, báo cáo của ba sở có trách nhiệm quản lý về lĩnh vực này đã đưa ra các số liệu dự án phát triển nhà ở rất khác nhau: Sở Kế hoạch - Đầu tư là 200 dự án, Sở TN-MT: 410 dự án, trong khi Sở Xây dựng là 373 dự án. Báo cáo của Sở TN-MT cho biết, từ năm 2011 sở này đã rà soát 32 ô đất thuộc 9 dự án có diện tích hơn 152.000m2 phải bàn giao cho thành phố, nhưng đến nay vẫn không rõ thực trạng đã thực hiện như thế nào?… Trong báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội cho rằng, Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối, nhưng thiếu chủ động tham mưu thành phố việc lập kế hoạch bám sát chương trình phát triển nhà ở và kiểm tra việc chấp hành pháp luật, xử lý sai phạm. Sở TN-MT thiếu chủ động đôn đốc chủ đầu tư thực hiện thủ tục, hồ sơ tính lại nghĩa vụ tài chính của dự án sau khi điều chỉnh quy hoạch; thiếu chủ động rà soát, kiểm tra việc đầu tư trạm xử lý nước thải, đánh giá tác động môi trường của các khu đô thị, nhà ở. Sở Kế hoạch - Đầu tư thiếu chủ động giám sát, đánh giá đầu tư, theo dõi tiến độ dự án.
Báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội kiến nghị UBND thành phố rà soát tổng thể các dự án phát triển nhà ở thương mại. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, công bố các dự án gọi đầu tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định; hướng trọng tâm vào nâng cao diện tích nhà ở bình quân, cải thiện chỗ ở của công nhân, người thu nhập thấp. Khi giao chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư phải quy định rõ tiến độ xây dựng hạ tầng và trách nhiệm quản lý, vận hành. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch bổ sung hạ tầng còn thiếu. Kiểm tra, xử lý sai phạm ngay từ giai đoạn đầu mới phát sinh, kiên quyết thu hồi đất với những chủ đầu tư cố tình vi phạm hoặc chây ỳ nghĩa vụ tài chính.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: