Hàng loạt công trình vi phạm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô vẫn chưa được phá dỡ. Ảnh: Trần Quý
Vụ việc vi phạm trật tự xây dựng tại chung cư 93 Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ diễn ra trong nhiều năm, dẫn đến đơn thư khiếu nại kéo dài. Các cơ quan chức năng của TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc, yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm các vi phạm.
Ngày 27/4/2015, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành Quyết định số 1564/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ tầng 30 và phía trên tầng 30 tại chung cư cao tầng 93 Lò Đúc. Ngày 5/5/2015, UBND phường Phạm Đình Hổ và Đội thanh tra xây dựng quận đã xây dựng Kế hoạch số 29/KH-UBND-TTrXD về việc tổ chức cưỡng chế các hạng mục vi phạm tại tầng 30 chung cư cao tầng 93 Lò Đúc theo Quyết định số 1564/QĐ-UBND của UBND quận Hai Bà Trưng.
Ngày 10/6/2014, Sở Xây dựng có Văn bản số 4728/TT-SXD thông báo kết luận cuộc họp ngày 4/6/2015 về việc kiểm tra xử lý vi phạm trật tự xây dựng và việc xác định sở hữu chung - riêng, bàn giao giữa chủ đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư 93 Lò Đúc, trong đó yêu cầu chủ đầu tư (Cty TNHH Khách sạn Kinh Đô) phải thực hiện ngay việc tháo dỡ các phần mái tôn, vách kính và tường ngăn tại tầng 30 trước ngày 12/6/2015. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện, UBND phường Phạm Đình Hổ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm theo quy định. Sau này, Sở Xây dựng tiếp tục có các văn bản đôn đốc UBND quận Hai Bà Trưng thực hiện quyết định cưỡng chế, thế nhưng, đến nay, chủ đầu tư không tự giác phá dỡ mà UBND quận Hai Bà Trưng vẫn không tổ chức cưỡng chế?
Các công trình sai phạm tại 250 Minh Khai cũng không kém phần “sôi động”. Sau khi Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chỉ đạo xử lý nghiêm vi phạm, ngày 16/7/2015, UBND phường Minh Khai đã ban hành 4 quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với các công trình xây dựng vi phạm quy hoạch được duyệt.
Ngày 22/7/2015, chủ đầu tư Thăng Long Garden đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng, UBND quận Hai Bà Trưng, Đội thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng và UBND phường Minh Khai về việc cam kết tự khắc phục phá dỡ các công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại 250 Minh Khai. Theo đó, chủ đầu tư dự án xin được phá dỡ các công trình vi phạm trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 phá dỡ 2 công trình khu nhà ăn rộng 40,53m2 và khu nhà 1 tầng, rộng 474,3m2. Thời gian phá dỡ là 25 ngày, bắt đầu từ ngày 28/7. Giai đoạn 2 phá dỡ 2 công trình: Khu nhà 3 tầng có tổng mặt bằng xây dựng 554,13m2 và khu nhà 3 tầng, rộng 112,14m2. Thời gian phá dỡ khoảng tháng 6/2017 khi hoàn thành dự án.
Cam kết là vậy, song chủ đầu tư cũng chỉ phá dỡ “cầm chừng” và chính quyền các cấp cũng “bất lực”?
Những sai phạm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô - phường Thanh Nhàn cũng được chính quyền các cấp tuyên bố “xử lý triệt để”. Theo lộ trình được đề ra, các công trình sai phạm tại đây phải được xử lý trước ngày 15/9/2015. Thế nhưng, đến nay nhiều phần diện tích được phá dỡ trước đó đã bị tái lấn chiếm (17 trường hợp), còn các hạng mục: Sân tennis có mái che; sân bóng đá mini; các nhà hàng dịch vụ… vẫn còn nguyên?
Để tìm câu trả lời cho việc cưỡng chế công trình kiểu “nửa vời” nói trên, PV đã hai lần đặt lịch làm việc bằng văn bản với ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, thế nhưng cả hai lần đều bị từ chối và chuyển nội dung làm việc cho Đội thanh tra xây dựng quận.
Thiết nghĩ, với kiểu cưỡng chế “nửa vời” này của UBND quận Hai Bà Trưng thì chẳng bao lâu nữa đô thị quận Hai Bà Trưng sẽ bị “biến dạng”. UBND thành phố Hà Nội cần có những chỉ đạo rõ ràng, cụ thể.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: