Nhà máy ximăng Hoàng Thạch (Hải Dương). Ảnh: P.H
Quan điểm phát triển mới
Có thể nói một cách ngắn gọn về những thành tựu đạt được khi thực hiện quy hoạch phát triển ximăng quy hoạch 108/2005-QĐ-TTg ngày 16.5.2005 như sau: Công nghệ sản xuất hiện đại hơn, sản lượng cao hơn, chấm dứt hoàn toàn thời kỳ thiếu ximăng kéo dài; giảm dần tỉ trọng của các DNNN, thu hút các DN tư nhân và nước ngoài, tạo ra tài sản cố định lớn hàng trăm ngàn tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người lao động, nộp ngân sách mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng... Năm 2010, các DN ximăng bắt đầu hiện thực hóa mục tiêu xóa nhập siêu khi xuất khẩu 1,2 triệu tấn, nhập khẩu 2 triệu tấn. Năm 2011, xuất khẩu 5,5 triệu tấn và nhập khẩu 1,15 triệu tấn.
Trên cơ sở các dự báo mới nhất về biến động của kinh tế - xã hội nói chung của quốc gia giai đoạn 2010 - 2020, dự báo về nhu cầu tăng trưởng tiêu thụ ximăng trong giai đoạn tới nói riêng, quy hoạch phát triển công nghiệp ximăng giai đoạn 2011 -2020 và định hướng đến năm 2030 đã được lập. Quy hoạch này đã được Thủ tướng phê duyệt với nhiều quan điểm mới hơn, bám sát thực tiễn hơn về đầu tư phát triển các dự án sản xuất mới.
Có thể tóm lược ra một số quan điểm mới như sau: Thứ nhất, hằng năm sẽ làm rõ cần bao nhiêu dự án sản xuất mới để đường cung bám sát với đường cầu, chỉ cao hơn khoảng 10% có tính đến dự trữ và khó khăn trong việc vận chuyển ximăng từ Bắc vào Nam. Thứ hai, khi các địa phương cấp phép đầu tư dự án mới, vừa tuân thủ quy hoạch, vừa phải xin ý kiến chấp thuận của Bộ Xây dựng. Thứ ba, hằng năm Bộ Xây dựng căn cứ vào thực tế diễn biến về cung - cầu để trình Thủ tướng điều chỉnh kế hoạch đầu tư phù hợp với giai đoạn tiếp theo...
Những yếu kém và hệ lụy
Do tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới và chính sách kiềm chế lạm phát thông qua siết chặt tiền tệ, giảm mạnh đầu tư công và tăng trưởng tín dụng ở trong nước đã dẫn đến sự trầm lắng của thị trường BĐS và các dự án hạ tầng nên sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2012 bị ảnh hưởng không nhẹ. Ước 6 tháng đầu năm cả nước tiêu thụ được khoảng 28 triệu tấn, đạt 50% kế hoạch năm nhưng vẫn bằng 101% sản lượng tiêu thụ cùng kỳ năm 2011.
Mặc dù đó là con số không đạt được như kỳ vọng nhưng nếu đặt ximăng trong bức tranh tổng thể của ngành sản xuất VLXD nói chung thì sản lượng sản xuất vẫn có tốt hơn, tồn kho giữ ở mức thấp nhất (đến nay ước chỉ tồn 2,8 triệu tấn, tương đương 20 ngày sản xuất, là mức tồn kho an toàn cho phép).
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế rằng nội bộ ngành ximăng vẫn tồn tại những biểu hiện khó khăn của một số DN ximăng đơn lẻ. Có thể kể đến như: Ximăng Hạ Long, Đồng Bành, Quang Sơn, Tam Điệp... Bộ Xây dựng đã kiểm tra làm rõ nguyên nhân yếu kém. Những dự án này, dù được xây dựng đúng quy hoạch, có thị trường tốt nhưng tổ chức triển khai không tốt, không cân đối giữa vốn tự có và vốn vay, quản trị không tốt, vốn chủ sở hữu quá thấp, thiếu sự đồng lòng quyết tâm vượt khó của những người quản lý, vận hành... Mới đây, Bộ Xây dựng cũng thực thi những động thái quyết liệt như đình chỉ 3 dự án nghiền clinker ở phía nam khi phát hiện không nằm trong quy hoạch được phê duyệt.
Doanh nghiệp ximăng cần làm gì?
Bộ Xây dựng một mặt khuyến khích các DN ximăng nỗ lực thực thi các kế sách vượt khó trong giai đoạn trước mắt, một mặt khuyến cáo các DN phải cân nhắc thận trọng về các quy định đầu tư mới, đảm bảo đủ vốn và kiểm soát dòng tiền của mình; rà soát danh mục các dự án ximăng trong các năm tới để trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch; kiểm soát dự án sau đầu tư để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tức thì những hệ lụy không đáng có.
Đối với những dự án đang gặp khó khăn như Hạ Long, Đồng Bành, Quang Sơn..., khuyến khích chuyển nhượng cổ phần cho DN khác có tiềm lực tài chính, hoặc tùy từng trường hợp, tuỳ từng dự án mua bán theo hình thức M&A nhằm khai thác tối đa tiềm năng về thương hiệu, thị trường cũng như kinh nghiệm quản lý vận hành của các DN mạnh trong lĩnh vực.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: