Cơ chế đặc thù về đất đai
Trên cơ sở các đại biểu dự Hội thảo đều thống nhất là cần thiết phải xây dựng mô hình Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc (Đặc khu Phú Quốc), TS. Trần Du Lịch đề xuất 2 vấn đề hết sức cốt lõi, đó là mô hình chính quyền đặc khu; thể chế và chính sách đặc thù. Trong đó, ông nhấn mạnh khâu đột phá chính sách về đất đai để tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư vào Đặc khu.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, phải mất nhiều năm mới hoàn thành Đề án Đặc khu Phú Quốc
Vì là mô hình đặc thù mang tính tự chủ tương đối và phù hợp với vị trí địa kinh tế của đảo Phú Quốc, ông Trần Du Lịch cho rằng, cần có cơ chế đặc thù về đất đai cho Phú Quốc.
Ông Trần Du Lịch kiến nghị, nên thay cơ chế thu hồi và giao đất như hiện nay bằng cơ chế “đấu giá quyền sử dụng đất theo mục đích sử dụng”.
Cụ thể, đề nghị Trung ương tạm ứng cho Phú Quốc một khoản vốn nhất định, hoặc Phú Quốc phát hành trái phiếu hay là cả hai nguồn này để chính quyền Phú Quốc trưng mua đất nông nghiệp của người dân, sau đó công khai đấu giá từng lô đất khi đã có quy hoạch sử dụng đất.
Theo đó, giá trưng mua của dân chênh lệch với giá bán lại cho nhà đầu tư (đấu giá) tạo ra phần thu về cho ngân sách, chính quyền Phú Quốc sẽ tính toán lại để chia sẻ lợi ích theo cơ chế 3 bên cùng có lợi (ngân sách địa phương, người dân bị thu hồi đất và nhà đầu tư).
Nguồn thu do chênh lệch đấu giá tạo cho ngân sách địa phương khoản thu lớn sẽ được tái đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật khu vực kế tiếp (nằm trong quy hoạch), tạo sức lan tỏa nhanh để thu hút nhà đầu tư.
“Thêm vào đó, cơ chế trưng mua và đấu giá quyền sử dụng đất sẽ loại bỏ tình trạng đầu cơ, chiếm đất, nâng giá và tham nhũng trong quản lý đất đai”, ông Trần Du Lịch nói.
Minh bạch hóa quản lý sử dụng đất
Để làm rõ hơn về quản lý đất đai theo mô hình Đặc khu Phú Quốc để hạn chế tiêu cực, ông Trần Du Lịch phân tích thêm, đất đai Phú Quốc là sở hữu quốc gia hay sở hữu toàn dân, nhưng từng mảnh đất đã trở thành hàng hóa đặc biệt thì phải thừa nhận tính chất đa sở hữu.
Và dù thừa nhận sở hữu của pháp nhân hay thể nhân, thì tính chất sở hữu đất đai là sở hữu có điều kiện, tức là Nhà nước có quyền quy định mục đích sử dụng thông qua quy hoạch và quyền trưng mua, quyền ưu tiên mua khi cần thiết phục vụ cho quốc phòng, an ninh, công cộng.
Trên thực tế, theo pháp luật đất đai hiện hành, người sử dụng đất có 8 quyền, xét về bản chất, thì đó là quyền sử dụng đất có điều kiện.
“Cụ thể là rừng, biển thuộc sở hữu quốc gia bất khả xâm phạm, được ủy thác cho chính quyền Đặc khu Phú Quốc quản lý và nó không phải là hàng hóa để mua bán. Loại đất thứ hai là công điền - công thổ do Nhà nước đang trực tiếp quản lý cần được được xác lập là tài sản của pháp nhân chính quyền Đặc khu và được quản lý theo chế độ sở hữu nhà nước. Loại đất thứ ba là đất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đất ở… đang thuộc quyền sở hữu hợp pháp của pháp nhân hay thể nhân thuộc loại đất sở hữu có điều kiện. Xác định được chính danh thực trạng sử dụng đất như vậy sẽ minh bạch trong quản lý sử dụng đất của Phú Quốc”, ông Trần Du Lịch nêu vấn đề.
Đánh giá tóm tắt về Đề án Xây dựng mô hình Đặc khu Phú Quốc, ông Trần Du Lịch cho rằng, Đề án chưa “đủ đô” đột phá để tạo sức bật cho Phú Quốc, vì chưa đủ lợi thế về thể chế cạnh tranh. Đề án có nêu đột phá về chính sách thuế là cần thiết, nhưng chưa đủ, mà cần đột phá về chính sách và thể chế quản lý đất đai, khai thác có hiệu quả nhất từ quỹ đất để tái đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật.
“Tuy nhiên, dù mô hình hay thể chế nào thì yếu tố con người vẫn là quyết định. Do đó, Đề án nên nghiên cứu thêm về tiêu chí và chính sách sử dụng cán bộ, công chức, nhằm tạo lập đội ngũ cán bộ, công chức của Đặc khu Phú Quốc thực sự là sự lựa chọn tinh hoa.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: