Phó thống đốc Đào Minh Tú
Tại cuộc họp báo chính phủ thường kì chiều 2/12, báo chí đã đặt câu hỏi cho Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú về hoạt động của các sàn Forex. Cụ thể, hiện nay có hàng chục nghìn người dân bỏ tiền tỷ vào các sàn đầu tư chứng khoán đến từ nước ngoài. Những sàn này còn tổ chức thường xuyên hội nghị công khai lôi kéo người dân, trả lãi suất cao, thực hiện theo mô hình đa cấp. Vậy người dân có được tham gia vào các sàn này không?
Trả lời vấn đề này, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết theo quy định hiện hành, chỉ các tổ chức tín dụng kinh doanh ngoại hối mới được phép mua bán và cung ứng các dịch vụ mua bán ngoại tệ, thực hiện những dịch vụ phái sinh trên thị trường trong nước và quốc tế…
"Hiện nay, chưa cấp phép bất kỳ sàn đầu tư chứng khoán Forex nào. Tất cả các sàn đang hoạt động không đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Những cá nhân nào tham gia đầu tư vào đây đang tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật", ông Tú nhấn mạnh.
"Người dân khi đầu tư các lĩnh vực này phải quan tâm đến những lời mời chào có phù hợp với thực tế hay không, phải quan tâm đến tính chất pháp lý của các tổ chức này", ông Tú nói thêm.
Về việc hình thành sàn mua bán nợ xấu, ông Tú cho biết Công ty Mua bán nợ (VAMC) được phép mua bán nợ xấu. Và theo đề xuất của VAMC, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể chấp thuận trên cơ sở đủ các điều kiện có thể thực hiện sàn giao dịch này.
"Khi đủ điều kiện công nghệ và điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ cấp phép giao dịch trên sàn. Đó cũng là điều kiện thúc đẩy, phát triển thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam.
"Quá trình triển khai vẫn có thể là giao dịch trực tiếp. Nếu chúng ta có điều kiện thì phát triển sàn giao dịch này có chức năng kinh doanh mua bán nợ xấu, kể cả các thành viên là những người có nhu cầu mua bán đều có thể giao dịch bán hàng. Trách nhiệm quản lý trước hết là do VAMC thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình", ông Tú cho hay.
Về thực trạng lãi suất thấp khiến tiền chảy ra các kênh tài sản, ông Tú cho rằng việc người dân rút tiền từ ngân hàng ra là quyền của người dân. Việc đầu tư mua trái phiếu bao nhiêu cũng là quyền của các nhà đầu tư.
Ông Tú nhấn mạnh vấn đề này không đáng lo ngại bởi tăng trưởng tiền gửi 10 tháng năm 2020 vẫn là 10,65%, tăng nhanh hơn cả chỉ số tín dụng của nền kinh tế. Những tháng gần đây, tiền gửi huy động của các ngân hàng thương mại vẫn tăng, nên việc rút ra vẫn ít hơn so với người gửi vào.
"Việc nhà đầu tư là người dân rút tiền ra để đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nghị định cũng như các văn bản hướng dẫn đều theo tinh thần là hạn chế nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ, làm sao để việc mua trái phiếu đó đảm bảo an toàn cho cả doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu của mình", ông Tú nói.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: