10.830 người/km2 là mật độ dân số trung bình tại các quận nội thành Hà Nội. Số liệu này cho thấy, áp lực gia tăng dân số tại khu vực trung tâm Hà Nội, đặc biệt là khu vực nội thành không ngừng tăng cao. Việc nhanh chóng xây dựng các khu đô thị vệ tinh (ĐTVT) cho Hà Nội không chỉ mang lại những lợi ích to lớn nhằm phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) mà còn góp phần quan trọng làm giảm áp lực về hạ tầng, ô nhiễm môi trường cho khu vực nội đô.
Huyện Sóc Sơn là một trong những đô thị vệ tinh trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Giang Sơn
Đô thị vệ tinh: Bài toán tất yếu
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, đến giai đoạn 2020-2030, dân số thành thị sẽ đạt khoảng 6 - 6,2 triệu người và giữ mật độ dân số tại 9 quận (trừ Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm) là 13.836 người/km2. Song, trên thực tế, dân số của Hà Nội năm 2015 là 7.462.800 người, tăng gần 600 nghìn người so với năm 2011.
Mật độ dân số trung bình tại các quận nội thành là 10.830 người/km2. Trong đó, tại 9 quận nội thành là 14.714 người/km2, cao hơn mục tiêu trong quy hoạch chung. Cá biệt tại quận Đống Đa, mật độ dân số lên tới 41.638 người/km2, tăng 2.700 người/km2 so với năm 2011.
Cùng với áp lực tăng dân số, lượng xe cơ giới của Hà Nội cũng tăng lên nhanh chóng. Thống kê đến tháng 9-2016, Hà Nội đã có 5,4 triệu xe máy, 600 nghìn ô tô tập trung chủ yếu trong nội đô. Dân số tăng nhanh, lượng phương tiện giao thông quá lớn và hoạt động xây dựng diễn ra liên tục chính là những yếu tố gây ô nhiễm môi trường tại khu vực nội đô.
Theo TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, trước áp lực gia tăng quá nhanh của dân số và tốc độ đô thị hóa tại Hà Nội, việc xây dựng các khu ĐTVT là giải pháp cần thiết để đạt được những mục tiêu dân số của quy hoạch chung về xây dựng Thủ đô Hà Nội.
Khi các đô thị này được xây dựng sẽ đáp ứng được yêu cầu là đô thị hoàn chỉnh, độc lập một cách tương đối so với đô thị trung tâm. Nếu ĐTVT có chất lượng cuộc sống tốt, hạ tầng giao thông kết nối chặt chẽ với khu vực trung tâm thì việc thu hút dân cư từ nội đô và các khu vực khác tới ĐTVT là việc làm khả thi. Bởi, trên thực tế, có thể nhìn thấy rất rõ sự dịch chuyển của các trường đại học, cơ sở y tế, cơ sở công nghiệp về các ĐTVT sẽ kéo theo số lượng lớn dân cư và sinh viên tại khu trung tâm Hà Nội.
TS.KTS Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, căn cứ vào Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ bao gồm đô thị trung tâm, 5 ĐTVT và các thị trấn sinh thái. 5 ĐTVT gồm: Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây và Sóc Sơn với những chức năng cụ thể.
Nếu như Hòa Lạc là đô thị để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thì Xuân Mai sẽ là đô thị dịch vụ - công nghiệp, đầu mối kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc đất nước. Phú Xuyên được xác định là đô thị công nghiệp. Đây dự kiến là nơi đầu tư xây dựng các cơ sở kinh tế về công nghiệp, y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, thể thao. Sơn Tây được xác định là đô thị văn hóa, lịch sử, du lịch, nghỉ dưỡng. Sóc Sơn sẽ là đô thị dịch vụ, sinh thái và phát triển công nghiệp sạch.
Khách tham quan mô hình không gian kiến trúc đô thị vệ tinh tại Triển lãm quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Bá Hoạt
Bài học từ các quốc gia
Tại hội thảo "Cơ hội và giải pháp thúc đẩy phát triển ĐTVT TP Hà Nội" do Viện Nghiên cứu KT-XH Hà Nội vừa tổ chức, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng và quy hoạch kiến trúc đã nêu nhiều ý kiến nhằm phát triển các ĐTVT. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, để phát triển các ĐTVT theo hướng bền vững, bài học của Luân Đôn (Anh) rất đáng quan tâm. Để giải quyết nhu cầu nhà ở tăng nhanh sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Chính phủ Anh đã phát triển các khu nhà ở theo mô hình "thành phố vườn".
Tuy nhiên, mô hình đầu tiên này chỉ là hình thành một khu nhà ở xây dựng phân tán, chưa phải là đô thị. Sau đó, Chính phủ đã xây dựng khu công nghiệp gắn kết với chức năng khu nhà ở đầy đủ tiện nghi và tương đối độc lập với Luân Đôn để tránh tình trạng di chuyển con thoi từ ĐTVT vào đô thị trung tâm. Tại đây, vai trò "vành đai xanh" được khẳng định là công cụ để hạn chế mở rộng trung tâm thành phố.
Cùng với mô hình quy hoạch gắn với "vành đai xanh" là một thể chế quản lý được thực thi chặt chẽ. Nhờ vậy, mô hình chùm đô thị ở Luân Đôn đã thành công. Bài học ở đây là cần có sự đồng bộ giữa quy hoạch hợp lý và quản lý xây dựng theo quy hoạch nhằm đạt được mục tiêu phát triển các ĐTVT.
TS Nguyễn Hồng Sơn lại nêu dẫn chứng về việc thu hút dân cư tới các ĐTVT tại Hàn Quốc. Trên thực tế, các ĐTVT của thủ đô Seoul như Kangnam, Incheon, Songdo, Changwon, Deagu đều được xây dựng gắn với các khu công nghiệp và khu dân cư. Quy hoạch này đã giúp giảm áp lực dân số cho Seoul và tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm cho người dân sinh sống tại đây.
Tại Mỹ và Canada, các tuyến đường cao tốc, đường sắt một ray tốc độ cao lại được chú trọng phát triển nhằm rút ngắn thời gian di chuyển từ ĐTVT vào nội đô. Điều này đã giúp người dân sống tại ĐTVT dễ dàng học tập, làm việc và vui chơi tại khu trung tâm...
Tuy nhiên, để phát triển ĐTVT thành công, Hà Nội cần có những bước chuẩn bị kỹ và cụ thể. Bên cạnh việc lựa chọn mô hình phát triển và cấu trúc ĐTVT hợp lý, cần xây dựng những cơ chế, chính sách hấp dẫn nhằm thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển ĐTVT.
Bên cạnh việc xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh để kết nối ĐTVT với thành phố trung tâm, cần tạo điều kiện tốt nhất cho cư dân ĐTVT về nhà ở, việc làm, hạ tầng xã hội... qua đó giảm bớt áp lực về hạ tầng cho Thủ đô Hà Nội.