Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tính toán khả năng nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm lên trên 20% để đáp ứng nguồn vốn phục vụ nền kinh tế. Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng tín dụng năm nay chỉ nên tăng không quá 18%.
Lý giải cho quan điểm này, theo ông Thiên, điều quan trọng nhất là mục đích để tăng trưởng tín dụng trến 20% là gì. Trong bối cảnh hiện nay, ông cho rằng việc kỳ vọng tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là không khả quan. Bởi từ giờ đến cuối năm, thời gian quá ngắn để tăng trưởng tín dụng có tác động làm tăng trưởng GDP, do nó có độ trễ nhất định, ít nhất là phải qua năm 2018. Như vậy, tăng tín dụng cao không giúp GDP đạt được mục tiêu cho năm nay, trong khi qua năm thì kế hoạch tính toán hoàn toàn khác.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng chỉ nên tăng trưởng tín dụng 18%. Ảnh: PV.
Thứ hai là vấn đề hấp thụ tín dụng của nền kinh tế. Viện trưởng Thiên cho rằng, khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế hiện không tốt. Đây là một nguyên nhân rất đáng quan tâm. Trước hết là do doanh nghiệp Việt hiện nay sức khỏe yếu (năng lực cạnh tranh, điều kiện hoạt động...), khả năng chuyển hóa tín dụng thành tăng trưởng rất thấp. Đến hiện giờ, số doanh nghiệp đủ năng lực nộp thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ còn khoảng 33% (giảm một nửa so với các năm trước). Và trong bối cảnh này thì hấp thu tín dụng cực kỳ khó khăn.
Vấn đề thứ ba theo ông Thiên là hiệu ứng trên toàn nền kinh tế vĩ mô. Với nhiều tính toán, cần phải nghiên cứu kỹ xem tăng trưởng tín dụng 1% thì tác động thế nào đến lạm phát và tăng trưởng GDP. Và theo kết quả phân tích gần đây của Đại học Kinh tế Quốc dân thì hiệu ứng tăng trưởng chỉ bằng một phần năm so với hiệu ứng lạm phát. Nghĩa là khả năng tác động lạm phát mạnh hơn nhiều so với tăng trưởng GDP. Như vậy, nếu Việt Nam cứ cố tăng trưởng mạnh tín dụng thì sẽ đánh đổi nguy cơ như cách đây 5 năm là bơm tín dụng ra quá nhiều nhưng tăng trưởng GDP không được bao nhiêu, ngược lại ảnh hưởng đến lạm phát quá mạnh. Và điều này sẽ gây rủi ro rất lớn cho nền kinh tế.
Yếu tố thứ tư ông Thiên lo ngại là nguy cơ chệch hướng dòng tiền. Nếu bơm tín dụng một cách đại trà thì khả năng nguồn tiền sẽ bị hút vào bất động sản. Trong khi nền kinh tế Việt Nam xu hướng đầu cơ rất mạnh. Thực tế là tăng trưởng tín dụng cho bất động sản hiện khá cao. Do vậy, việc đẩy mạnh tín dụng không giúp tăng năng lực cho đầu tư, phát triển kinh tế mà lại tăng rủi ro.
Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, trước những bất cập của tăng trưởng tín dụng như trên, Việt Nam cần đặt ra những mục tiêu tăng trưởng dài hạn hơn chứ không phải dựa vào biện pháp tình thế từng năm, từng quý như hiện nay. Và theo ông, hiện Chính phủ đang có sự chuyển biến khi bắt đầu tập trung tháo gỡ những khó khăn, trói buộc của doanh nghiệp (giảm các thủ tục, chi phí...).
Điều này theo ông Thiên đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ hơn và quyết tâm cao hơn ở nhà điều hành vì nó đụng chạm đến thể chế cũng như xung đột lợi ích. Tuy phải tốn nhiều năm trời, nhưng nếu thành công, thể chế sẽ trở nên minh bạch hơn, doanh nghiệp hoạt động tốt hơn và tăng trưởng kinh tế sẽ bền vững hơn. Khi đó, quan trọng nhất là hiệu quả đồng vốn sẽ cải thiện nhiều.
Còn hiện nay, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh, nếu Việt Nam cứ chạy theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao trên 20% bằng mọi giá thì hiệu quả tăng trưởng GDP không cao, trong khi phải đối mặt nguy cơ lạm phát, nợ xấu tiếp tục tăng và gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: